Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh

Địa chỉ: Số 149 Trần Phú, Hội An Đặc điểm: Trưng bày 216 hiện vật văn hoá Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm.


Văn hoá khảo cổ được nhà khảo cổ người Pháp Côâlani (M. Colani) đặt tên (1936) theo địa danh trên bờ đầm An Khê, nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc sơ kì thời đại sắt, tồn tại trong khoảng nửa sau thiên niên kỉ 1 tCn. đến đầu Công nguyên. Năm 1906, Vinê (M. Vinet) đã dùng khái niệm một kho chum để thông báo về việc phát hiện hơn 200 chiếc, cao trung bình 0,80 m, vùi sâu trong cồn cát ven biển Quảng Ngãi. Pacmăngchiê (H. Parmentier, 1924) khi chỉnh lí hiện vật do bà La Ba (La Barre) đào (1923), đã sử dụng khái niệm kho chum Sa Huỳnh. Yanxê (O. Janse) cũng đã đến đây khai quật và dùng thuật ngữ phức hợp Sa Huỳnh (1961).
Xonhaimơ (W. Solheim) đặt nền VHSH trong bối cảnh Đông Nam Á, lúc đầu dùng thuật ngữ Sa Huỳnh – Kalanây (Kalanay), sau thay bằng truyền thống gốm Sa Huỳnh – Kalanây (1964). Sau năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam với kết quả nghiên cứu gần 100 di tích đã làm rõ đặc trưng khảo cổ của VHSH: ngoài táng thiêu dùng chum gốm làm quan tài, còn có mộ huyệt đất, mộ rải gốm. Đồ tuỳ táng ngoài đồ gốm, đồ sắt còn có đồ đồng. Điểm nổi trội mang tính chỉ thị đặc trưng VHSH là những khuyên tai hình hai đầu thú bằng đá, bằng thuỷ tinh, những khuyên tai ba mấu bằng đá quý, bằng thủy tinh, những đồ trang sức bằng ngọc mã não. Bên cạnh các khu mộ táng còn có những khu di chỉ cư trú với tầng văn hoá dày từ 1,50 m đến 3 m.
Các bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh được nguồn gốc bản địa của VHSH có liên quan đến các nền văn hoá khảo cổ tiền Sa Huỳnh thuộc thời đại đồ đồng. VHSH chủ yếu phân bố ở khu vực Miền Trung từ Đà Nẵng, Quảng Nam vào đến Bình Thuận. Ở khu vực Quảng Trị, Huế, cư dân Sa Huỳnh có sự hội nhập với cư dân văn hoá Đông Sơn. Về phía nam, có sự hội nhập với cư dân văn hoá Đồng Nai. Về phía núi, VHSH có ảnh hưởng đến các nền văn hoá khảo cổ ở Tây Nguyên. Về miền ven biển, cư dân của văn hoá này có những mối liên hệ với văn hoá Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á hải đảo.

(Theo:dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *