Bảo tàng & Điểm đến khác
Bến Tre xứ dừa
Bến Tre nằm giữa bốn bề sông nước, với ba cù lao là cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa, xen lẫn với đồng ruộng và vườn dừa xanh tươi. Nơi đây, du lịch sinh thái miệt vườn là tiềm năng vàng để phát triển.
Đến với Bến Tre để khám phá vùng hạ lưu và cửa sông Cửu Long là tour khá hấp dẫn với du khách trong nước cũng như khách quốc tế. Các ngả vào Bến Tre, dù đi đường nào, du khách cũng phải một lần bước lên phà, nhờ vậy bạn mới có được những giây phút chờ đợi bồng bềnh trên sông nước. Đây cũng là dịp để bạn thư giãn, hít thở không khí trong lành và tận hưởng những làn gió mát.
NHỮNG ĐỔI THAY LỚN
Cuộc sống của người dân Bến Tre luôn gắn kết với cây dừa, trên một vùng khoảng hơn 40.000ha dừa trải rộng suốt tỉnh. Bến Tre có các vùng sinh thái tự nhiên như: vùng sinh thái nước ngọt gồm các cồn, vùng dân cư ven sông Tiền, sông Hàm Luông, với những vườn cây trái nhiệt đới, làng hoa kiểng... và hơn 30 điểm du lịch. Vùng sinh thái nước lợ, xã Hưng Phong với nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đang được quy hoạch thành khu du lịch làng quê Nam Bộ. Vùng sinh thái nước mặn, với bãi biển Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phong là điểm rừng ngập mặn phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, nghỉ dưỡng, giải trí và thưởng thức các món ăn miền biển.
Cùng với kinh tế vườn - trang trại, tỉnh Bến Tre đang đầu tư vào phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và đây là hai mũi nhọn kinh tế đã đem lại những thay đổi lớn trên quê hương xứ dừa những năm gần đây.
Bến Tre có 65km bờ biển với hàng ngàn hécta đất ngập mặn, hoang hóa. Tháng 10-2001 dự án nuôi tôm sú công nghiệp được triển khai trên cánh đồng hoang thuộc xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, với vốn đầu tư gần 100 tỉ đồng, đã mang lại vụ thu hoạch tôm đầu tiên vào tháng 9-2002 cho năng suất trung bình 7 tấn/ha. Với thời giá là 122.000 đồng/kg, mọi người nuôi tôm rất phấn khởi và chủ đầu tư hy vọng chỉ sau một năm (4 tháng 1 vụ) sẽ nhanh chóng được thu hồi vốn. Từ đó phong trào nuôi tôm công nghiệp lan rộng tới nhiều địa bàn khác trong tỉnh và diện tích nuôi tôm cũng nhanh chóng phát triển, đẩy lùi những mảnh đất hoang hóa. Dù rằng nuôi tôm sú đến với người dân Bến Tre khá muộn, song nhờ thế mà họ rút được nhiều kinh nghiệm thành bại của nghề nuôi tôm. Thế là nhiều gia đình đã đổi thay rõ nét, thoát khỏi cái nghèo dai dẳng và bắt đầu xuất hiện những chủ ao tôm giàu có.
VƯỜN CÂY TRĨU QUẢ
Đến với các cù lao của Bến Tre, du khách sẽ có cảm nhận, đó là ở đâu cũng đều phủ kín một màu xanh của rừng dừa xen lẫn với những vườn đủ loại cây trái như: măng cụt, sầu riêng, chuối, nhãn, chôm chôm, bòn bon... và được chiêm ngưỡng những vườn cây cảnh tuyệt đẹp từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ dừa.
Người dân vùng Cái Mơn, huyện Châu Thành kể rằng, ngày xưa người dân Cái Mơn đi mưu sinh khắp nơi, tiếp xúc với văn minh phương Tây khá sớm. Nhiều người từ nước ngoài trở về đem theo các giống cây ăn trái lạ như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm cùng với kỹ thuật ghép cành, gây giống. Sau khi trồng thử, cho trái ngon, ngọt thích hợp với dân địa phương và các vùng chung quanh. Từ đó, Cái Mơn được xem như là đất tổ của nghề làm cây giống và lai ghép cây cho những trái đặc biệt thơm ngon, nổi tiếng nhất là sầu riêng Cái Mơn. Tỉnh Bến Tre có 7.000 hộ trồng cây kiểng, làm cây giống thì Cái Mơn chiếm đến 6.000 hộ. Doanh thu trung bình của mỗi hộ khoảng 100 triệu đồng/năm. Vườn cây ăn trái Cái Mơn (Chợ Lách) được xem là vựa cây trái lớn nhất nhì vùng Nam Bộ. Nhiều nhà vườn ở các vùng lân cận thường lấy giống cây ăn trái có múi ở đây.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, 67 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Cái Mơn, đưa chúng tôi đi thăm vườn, tâm sự: Vườn này trồng được chôm chôm trái vụ nổi tiếng nhờ vào kỹ thuật. Muốn vậy, phải đào rãnh nước hai bên hàng cây, dùng ni-lông phủ kín gốc vào mùa mưa để gốc được khô giúp cây trổ bông muộn. Nhờ thế, chôm chôm nhà ông sẽ cho thu hoạch vào đúng dịp Tết, lúc đó giá sẽ cao khoảng 5.000 đến 5.500 đồng/kg, nếu giá trong mùa chỉ khoảng 1.200 đồng/kg, đôi khi còn thấp hơn, thế là trúng.
Đầu năm 2004 tại Hội thảo Du lịch phát triển bền vững ở Bến Tre, ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Thương mại-Du lịch tỉnh Bến Tre cho rằng: Đối với loại hình du lịch sinh thái, hiện có 2 khu du lịch và 27 điểm du lịch miệt vườn do nhân dân đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu tham quan, thư giãn, ăn uống, nghỉ đêm trong dân. Đây là loại hình đóng vai trò chủ lực, nhưng việc đầu tư quy mô nhỏ, dịch vụ còn ít và trùng lắp. Mặc dù, lượng khách du lịch đến tham quan khá đông nhưng không lưu giữ được khách nghỉ qua đêm. Do vậy, phải không ngừng nâng cao chất lượng của các tua du lịch, mới mong thu hút khách đến xứ dừa ngày nhiều hơn.
Ngồi trên thuyền dạo quanh các cù lao, ngắm nhìn những trái dừa trĩu nặng dưới tán lá xanh um, cùng ngây ngất với hương hoa dừa ngào ngạt, còn gì thích thú bằng. Hoặc xuôi dòng kinh rạch, len lỏi giữa rừng dừa rồi bất chợt ghé vào một vườn trái cây, đong đưa trên chiếc võng, uống ly dừa mát lành vừa mới hái... du khách đã có một tour du lịch sông nước tuyệt vời.
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch