Bảo tàng & Điểm đến khác

Chợ Gò Bình Định

Vị trí: Chợ Gò thuộc xã Phước Nghĩa - Tuy Phước - Bình Định.

Ðặc điểm: Mỗi năm chợ chỉ họp hai phiên vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết âm lịch. Chợ họp trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là chợ Gò. Du khách đi hội chợ bị cuốn hút không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn do được dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy. Trong khi hầu hết các chợ Tết quê nơi khác nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết, bán câu đối trên giấy đỏ thắm thì ở chợ Gò tục viết, bán câu đối Tết vẫn còn nguyên vẹn. Những chiếc chiếu hoa được trải ra lối cổng chợ cùng các cụ già râu tóc bạc phơ quần thâm, khăn xếp, thảo những nét chữ kỳ tài diệu bút trên giấy đỏ. Người xem, người mua đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của nét chữ, ý hay thâm thuý của câu đốí. Ở đây, nghệ thuật chơi chữ và viết chữ đủ cả bốn lối: Triện (vuông), lệ (nghiêng), chân (rõ ràng), thảo (viết thoắng) là sở trường của những nhà nho, ông đồ văn hay chữ tốt. Nhưng lối viết câu đối thảo vẫn được nhiều người ưa thích nhất. Mỗi một vế đối như một bức tranh nghệ thuật độc đáo. Ai. "chơi chợ" cũng muốn có một câu đối về treo trong nhà để đón xuân phù hợp với hoàn cảnh, ước nguyện của gia đình. Người muốn lúa tốt bội thu lợn đàn, gà bầy, kẻ mong con cháu đi xa được bình an, đỗ đạt cao kỳ thi tới. Vì thế hội chợ có muôn vàn câu đối khác nhau, không câu nào giống câu nào.

Nếu ở Bắc Bộ, hội cờ xuân thường diễn ra sân đình thì ở đây hội cờ lại diễn ra ngay tại chợ. Các tay cờ hoàn toàn mang tính giải trí thuần tuý. Song như thế không có nghiã là nước cờ thấp. Họ lên xe, xuống pháo như thần kém gì các tay cờ gạo cội trong làng cờ người Việt. Nếu bạn có dịp chơi hội chợ Gò mời bạn hãy thử chơi một ván ,người dân ở đây nồng nhiệt tiếp bạn.

Hội chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả và đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc ,tìm về cội nguồn của chính mình.

                                                                                 (Nguồn: dulichvtv.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *