Bảo tàng & Điểm đến khác

Thánh đường Mubarak

Địa chỉ: Xã Phú Hiệp - huyện Phú Tân - tỉnh An Giang

Thánh đường Hồi giáo ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân,tỉnh An Giang, nhân dân quen gọi là chùa Chăm, vì nó là nơi thể hiện tín ngưỡng của người Chăm. Từ thị xã Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang tới bên kia bờ Phú Hiệp là thánh đường Mubarak hiện ra. Du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên trước sự lạ lẫm và hùng vĩ của ngôi thánh đường này. Đây là một lối kiến trúc hoàn toàn khác với các kiểu kiến trúc của chùa Hoa, chùa Việt hay chùa Khmer. Thánh đường đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1989.

Người Chăm An Giang theo đạo Hồi, thờ thánh Alah. Thánh đường Mubarak được xây dựng và sửa chữa 5 lần, công sức và kinh phí hoàn toàn do các tín đồ đóng góp. Thánh đường được thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, người Ấn Độ. Đây là một thánh đường đẹp, có kiến trúc mang nét đặc thù của đạo Hồi, dựa theo kiến trúc của thánh đường ở Ả-rập Xê-Út.

Cổng chính hình vòng cung, trước là sân rộng. Nóc thánh đường có tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc có 4 tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Hai bên cửa chính của thánh đường có 4 vòm hình cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4 m, chia đều cho mỗi bên. Bên hông thánh đường, mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu. Nhìn từ xa, ngôi thánh đường giống các kiểu kiến trúc cổ ở Ấn Ðộ, Ba Tư.

Bên trong, do đặc điểm của đạo Hồi nên không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào nhưng phải có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Có Minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ sáu hàng tuần. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ. Vách tường bên trong thánh đường được trang trí bởi màu trắng và xanh nhạt tạo cảm giác thông thoáng và mát mẻ. Trên trần treo những chùm đèn tạo sự sang trọng và quý phái.

Mỗi năm có 3 kỳ lễ lớn:

- Lễ sinh nhật Nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập đạo Hồi, vào 12-03 Hồi lịch gọi là lễ Mâulút.

- Ngày tết của người Chăm, Hari Raya vào ngày 1/10 hồi lịch (khoảng 03-07 dương lịch)

- Lễ Chay Ramadan từ ngày 01 đến ngày 30-09 Hồi lịch (khoảng 27-04 dương lịch)

Trong những ngày lễ lớn này người Chăm tề tựu về thánh đường thật đông đảo và hành lễ theo đúng nghi thức của đạo Hồi

Trong những dịp lễ lớn này, cả đồng bào Việt cùng đồng bào Chăm quanh vùng tề tựu về đây sinh hoạt rất đông vui. Hàng năm có rất nhiều du khách về đây chiêm ngưỡng các đường nét kiến trúc độc đáo và thưởng thức cảnh đẹp.

                                                                                                (Nguồn: vietgle.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *