Điểm Du lịch

Hội lễ làng giáo phường Cổ Đạm

Hội lễ làng giáo phường Cổ Đạm: Xã Cổ Đạm trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Đạm, nay thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nông nghiệp, trồng rừng và ngư nghiệp. Nghề cổ truyền đặc trưng là nghề sản xuất đồ gốm.

Di tích lịch sử văn hoá cách mạng có: Đền Nguyễn Xí, đền Vân Hải thờ tướng Phan Thiện Lâu; đền Nhà Bà thờ Thiên Tiên Ngọc Nữ Mai Hoa Công Chúa. Chợ Đạm và chợ Đồn là 2 chợ phiên ngày nay vẫn duy trì. Sinh hoạt văn hoá dân gian có hát Ca Trù (hát ả đào).

Nghề hát ả đào còn gọi là hát Ca Trù hay hát Cửa Đình có nhiều nơi nhưng cổ nhất và đặc sắc nhất là hát ả đào ở thôn Giáo Phường, xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm cũ, nay thuộc thôn Phú Lạp, xã Cổ Đạm huyện, Nghi Xuân, do đó là có tên là ả đào Cổ Đạm. Tục truyền vào khoảng thế kỷ XV, một thanh niên Cổ Đạm tên là Đinh Lễ được tiên ban cho nghề đàn hát rồi đi khắp nơi cùng với vợ dạy cho nhiều người ở nhiều vùng biết nghề, cuối đời trở về quê và quê ông trở thành nôi hát ả đào, truyền cho 12 huyện xứ Nghệ biết hát. Ban đầu người Phú Lạp hát hay nhưng kém sắc, về sau họ Phan có mộ kết bèn xuống ở rể nhà họ Nguyễn ở Tiên Cầu (nay là xã Xuân Giang - Nghi Xuân), nhờ đó mà sắc ngày càng đẹp hơn. Hai họ Phan - Nguyễn nối đời hát ả đào và có người hát nổi tiếng được lưu danh như nàng Hiệu Thư, bà Mơn, bà Phẩm, bà Xoan ... và bà Phan Thị Khánh sống đến 85 tuổi.
Lúc vợ chồng Đinh Lễ đã già, các vị tiên xuống thu lại đàn thiêng và đưa vợ chồng về trời. Giáo Phường Cổ Đạm nhớ ơn, dựng đền thờ vợ chồng Đinh Lễ làm tổ sư. Giáo Phường 12 huyện trong xứ đều coi Cổ Đạm là gốc và đền này thành đền chung của cả xứ .
Hàng năm cứ đến ngày 11 tháng Chạp là giỗ Tổ sư, giáo phường 12 huyện kéo về lễ tổ và mở hội hát rất linh đình. Trước ngày hội hàng tháng, dân Giáo Phường đã náo nức chuẩn bị bạn hát các nơi về, lo trang trí trong đền cho thật uy nghi, lo việc ăn ở cho phường bạn, lại còn lo ôn lại tiếng đàn nhịp phách, giọng hát để thi thố tài năng với phường bạn. Sau lễ tế Tổ sư trọng thể, các giáo phường lần lượt hát "chầu Thánh ", cuộc hát kéo dài suốt 3 ngày đêm mới dừng để làm lễ tế. Hội hát vẫn tiếp tục, Giáo Phường chia nhau mời bạn hát xa gần về từng nhà tiếp đãi và cùng nhau ca hát có khi hàng tuần chia tay nhau mà vẫn còn lưu luyến.

Một thời gian hát ả đào bị lãng quên, nay đang trên đà phục hưng và phát triển, trở thành câu lạc bộ Ca Trù hấp dẫn.

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *