Điểm Du lịch
Hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu
Cứ vào tháng 7 âm lịch hằng năm, khi những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, đồng bào Cơ Tu miền tây tỉnh Quảng Nam lại hân hoan mở hội mừng lúa mới. Lễ hội diễn ra vào lúc thu hoạch mùa lúa mới, để cúng Giàng (Trời) và các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng một mùa bội thu và cuộc sống luôn bình yên, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội mừng lúa mới là dịp để mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng, náo nức. Các nghệ nhân thử lại cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ để đảm bảo đúng âm, đúng điệu.
Đặc biệt, người có uy tín trong làng được cử đi mời khách tham dự lễ hội của làng mình. Nam thanh niên lo quét dọn nhà cửa, đắp sửa lại đường đi, sân làng, sắp xếp, trang trí Gươl (nhà cộng đồng) thật khang trang để đón khách quý. Những dụng cụ sản xuất đưa vào Gươl để “báo cáo” với thần linh, giàng về kết quả công việc sản xuất suốt vụ mùa vừa qua. Các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, các loại gùi…để sớm mai lên rẫy tuốt những gùi lúa chín vàng về cho làng. Mọi người trong làng ai ai cũng hăng hái góp sức để có được một lễ mừng lúa mới thành công.
Trong lễ hội mừng lúa mới, đồng bào còn tổ chức lễ hội đâm trâu để cúng Giàng, thần linh. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu, cùng với con gà sống tẩm máu trâu rồi ném lên cái ổ trên cột nêu. Nếu lễ vật đó rơi đúng vào ổ, xem như Giàng, thần linh chấp nhận lễ hội mừng lúa mới. Những tấm dồ, tấm tút sặc sỡ được phủ lên mình trâu hàm ý chia của cải cho nó, gạo nếp, rượu được đổ vào miệng trâu với ý nghĩa cho trâu được ăn no, và chiêng trống lại nổi lên để tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh. Xong phần lễ, cả làng tổ chức đến phần hội. Thịt trâu được xẻ ra, một phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại Gươl, phần còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn, gà, trái cây... được mang ra, cả làng quây quần ăn uống, tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Mọi người không quên múa hát những làn điệu dân ca vui vẻ. Phần múa Tung tung zá zá làm cho lễ hội mừng lúa mới càng thêm tưng bừng, hấp dẫn. Cả làng cùng hòa mình trong không khí phấn khởi, mừng cho một vụ mùa thắng lợi.
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu còn giữ được nhiều phong tục tập quán xưa, là một nét đẹp của văn hóa truyền thống cần được giữ gìn.
(Theo: TTXVN)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch