Điểm Du lịch

Lễ cúng Lơh - Yang-Rơ của người KơHo

LỄ CÚNG LƠH-YANG-RƠ CỦA NGƯỜI KƠHO : Cộng đồng dân tộc Kơho có nhiều nhóm như:Xre; Nôp; Cơ Don; Chil; Lạt; T’ring…, sống xen kẽ và giao lưu chặt chẽ với các dân tộc mạ và Mnông anh em nên một số nhóm Kơho phó phân biệt với hai dân tộc trên, nhất là về tiếng nói. Người Kơho là một trong các cư dân bản địa sinh sống lâu đời ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai. Theo số liệu thống kê năm 1999 người Kơho có 720 nhân khẩu, xếp thứ 13 về dân số trong cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai. Bà con sống tập trung ở huyện Tân Phú (đông nhất là xóm Là Ủ, xã Phú Bình) và rải rác ở các huyện Long Khánh, Định Quán…

Người Kơho quan niệm thần linh, ma quỷ chi phối đến đời sống nên họ tổ chức cúng tế rất nhiều trong năm, nhưng có hai lễ cúng quan trọng và tổ chức lớn trong đời sống của người Kơho la lễ cúng thần lúa (Lơh Yang rơ) và lễ hội đâm trâu (Nhôxarpu).
Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, người Kơho tổ chức cúng yang lúa để tạ ơn thần lúa đã phù hộ một vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy kho, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Qua đó họ cũng xin thần lúa phù hộ cho họ một vụ mới vào năm sau khá hơn năm trước.

Lễ vật cúng thường tổ chức mổ lợn, giết dê hay gà, vịt và rượi cần. Trong lễ cúng Yang lúa, người Kơho lập bàn thờ Yang ở kho lúa của mình. Cách trang trí bàn thờ Yang gồm: bên trên được trang trí cây bông vải, cây bông tre đã bôi tiết của con vật dùng cúng lễ. Bên dưới gồm các vật như: thính (cốm dẹp); bánh chưng, bánh dầy, củ khoai môn đỏ; bộ đồ lòng các con vật cúng; ly rượu; bó bông lúa; đọt mây… Hai sợi dây chỉ được đính bông trắng nối liền từ tầng trên của bàn Yang đến bình rượu cần, dùng làm dây dẫn đường để Yang đến được với bình rượu và các vật tế lễ.

Trong lúc hành lễ, người lớn tuổi hay già làng sẽ đọc lời gọi Yang, lễ tạ ơn, cầu xin… Lễ cúng Yang được tổ chức ở kho lúa trước xong rồi mới được di chuyển vào nhà ở.

Đây là lễ hội lớn, xảy ra trong thời điểm rảnh rỗi, mang tính chất ăn mừng. Lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 7 ngày trong không khí vui vẻ. Trong điệu nhạc cồng chiêng (cing và gòng) và men rượu cần, mọi người nhảy múa, hát hò, kể chuyện, làm quen… Các hình thức văn hóa nghệ thuật được dịp phô diễn bảo lưu cho các thế hệ trẻ.

Lễ đâm trâu (Nhôxarpu) diễn ra trong dịp cúng cầu an cho làng hay để thông báo với toàn thể dân làng về mối tình anh em vừa kết nghĩa. Lễ vật dùng cho lễ đâm trâu giản đơn với cúng là trâu và rượu cần dùng để uống mừng. Nơi diễn ra lễ hội là một khoảng đất trống đủ rộng được dựng hai cây cột. Cột cao có hình tượng cặp sừng trâu và cây bông trắng bằng tre, nứa - vật tượng trưng biểu hiện thần linh. Cột thấp vững chắc dùng cột trâu.

Trâu được cột thấp trước một ngày và lễ đâm trâu sẽ diễn ra mờ sáng hôm sau dưới sự cầu xin thần linh chứng giám, phù hộ những điều tốt đẹp và sự vui đùa nhảy múa của dân làng.

Vật đâm trâu là một loại giáo với hai bề lưỡi rất bén dùng đâm vào bên hông trái xuyên vào tim. trong lễ cúng cầu an, già làng hoặc người cao tuổi được quyền ưu tiên đâm trâu. Trong lễ kết nghĩa anh em, người bạn được thông báo với làng sẽ cầm giáo đâm trâu.

Trong lễ cúng cầu sự an lành cho dân làng, thịt vật cúng được chia đều cho dân làng đẩ ăn mừng, uống rượu vui vẻ trong ngày lễ hội. Trong lễ kết nghĩa anh em, thịt trâu cũng được chia đều cho 2 bên. Tùy mỗi người trong lễ kết nghĩa mà chia họ hàng bà con để thông báo đều đến với mọi người. Người Kơho kiêng kỵ sự gian dối, tham lam nên thịt trâu trong các dịp lễ hội không thể ăn một mình mà phải chia đều cho mọi người để cùng hưởng niềm vui và sự an bình.

(Nguồn: www.svhtt-dongnai.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *