Điểm Du lịch
Lễ Đôl Ta
Nét đẹp của lòng hiếu thảo, tri ân của đồng bào Khmer Nam Bộ
Trong đời sống tâm linh của người Kinh theo đạo Phật có lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âl hàng năm, được xem là “mùa báo hiếu”- nét đẹp về lòng, tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành. Cũng mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Khmer có lễ Đôl ta - lễ cúng ông bà tổ tiên, là một trong những lễ lớn trong năm - diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âl.
Theo truyền tích xưa, người Khmer chọn thời điểm này để tổ chức lễ Đôl ta, vì đây là lúc vụ mùa cày cấy vừa xong, tiết thu mát mẻ, trời đẹp. Mọi người nghỉ ngơi lấy lại sức sau những tháng ngày làm lụng cực nhọc. Lúc ấy, ngoài đồng văng vẳng tiếng chim kêu. Người Khmer gọi đó là “Satt đôn ta” (chim tổ tiên) báo hiệu cho mọi nhà chuẩn bị cho lễ Đôl ta. Vừa xong mùa vụ, khí hậu mát mẻ, nhìn đồng ruộng xanh tốt, lòng người phơi phới, dặn nhau: phải chuẩn bị tốt cho ngày lễ Đôl ta - cúng ông bà tổ tiên thật chu đáo, vui vẻ và ý nghĩa. Lễ Đôl ta nhằm 4 mục đích: nhớ đến ông bà, cha mẹ, họ hàng; tập trung anh em, con cháu trong gia đình lại để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn đang sống và làm lễ cầu phước cho người quá cố; đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích, tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Trong 3 ngày diễn ra lễ Đôl ta được tổ chức cụ thể: ngày thứ nhất, mỗi gia đình dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, trải chiếu, để mùng mền, gối mới lên giường rồi để sẵn một bộ áo quần mới, chư chuẩn bị cho ông bà đi xa mới về nhà. Chuẩn bị các thứ này xong, họ bày bánh, trà và dọn một mâm cơm để 4 cái chén, đốt nhang, đèn rồi mời họ hàng, bà con lối xóm lân cận đến cùng cúng. Sau khi rót 3 lần rượu, trà cúng, những người đứng cúng gắp thức ăn để vào chén, đổ trà rượu vào rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, mời “ma quỷ” đưa ông bà họ về nhà ăn và ở lại suốt 3 ngày cúng, để đưa giúp ông bà tổ tiên họ trở lại nơi cũ. Buổi sáng gọi là “cúng tiếp đón”. Buổi chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà, tắm rửa, thay quần áo mới rồi mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước, và đi xem hát múa vui chơi cho thoả thích. Những ngày này, trong tình cảm của con cháu, ông bà, tổ tiên họ như hiện diện bên con cháu, nên ai cũng phấn chấn.
Ngày cúng thứ 2, sau một ngày đêm và 1 ngày ở chùa, đến chiều họ lại đưa linh hồn người quá cố về nhà. Họ cũng làm cơm cúng và mời ông bà ở lại chơi với con cháu thêm 1 đêm nữa. Ngày thứ 3 là ngày cúng cuối cùng, mỗi gia đình lại dọn lễ vật như ngày đầu tiên và cũng mời họ hàng, lối xóm đến dự, gọi là “cúng đưa”. Khi làm các thủ tục cúng như ngày đầu, họ bới cơm, gắp thức ăn vào chén, rồi đổ vào thuyền, tàu buồm họ làm bằng bẹ chuối, mo cau để tiễn ông bà về nơi cũ. Thức ăn này họ chuẩn bị cho ông bà đi đường. Trên tàu họ treo cờ phướn hình tam giác, khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi tàu để tránh tai nạn dọc đường. Họ còn để thêm bánh trái, lúa, muối, đậu, mè để ông bà và “người” đưa đường ăn được lâu. Xong xuôi, họ đem chiếc thuyền này thả trên sông, hoặc rạch gần nhà. Sau khi đưa tàu đi, họ tiếp tục mời anh em trong gia đình, bà con lối xóm dùng cơm. Bữa cơm thân mật có xen ca hát, tạo không khí vui vẻ, có nhà mời ông lục đến tụng kinh tạo phần long trọng, kéo dài đến chiều hoặc tối kết thúc 3 ngày lễ Đôl ta. Ngày nay, trong mối quan hệ xã hội rộng rãi, đoàn kết lâu bền giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, lễ Đôl ta của đồng bào dân tộc Khmer anh em, đồng bào Kinh, Hoa trong các xóm, ấp, phum, sóc lân cận cũng được mời đến chung vui, càng thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm trong tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ Đôl ta như lễ Vu lan đều được xem là nét đẹp về lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ đang sống và đã mất.
(Nguồn: www.sovhttdl.soctrang.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch