Điểm Du lịch

Lễ hội Cầu ngư – Hát Bá Trạo

Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông là một loài cá thiêng ở biển, rất hiền hòa thường cứu giúp ngư dân trên biển trong cơn bão tố. Cá voi chết trôi dạt vào bờ làng nào thì làng đó lập miếu thờ gọi là Lăng Ông Nam Hải, giữ gìn hài cốt của “Ông”. Dọc theo bờ biển từ Đại Lãnh – Vạn Ninh đến Nha Trang, Cam Ranh nhiều nơi có lăng và đền thờ cá Voi. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ hoặc xuân thu nhị kì, lễ tế Ông Nam Hải được tổ chức tại đình làng như một lễ hội.

Mở đầu là Lễ rước sắc phong (nếu có), vốn được giữ ở chùa hay miếu thờ riêng. Các vua triều Nguyễn đã ban nhiều sắc phong Thần cho Ông Nam Hải ở những nơi có Lăng thờ. Lễ rước sắc được đông đảo ngư dân tham gia, có cờ lọng, long kiệu, đoàn nhạc lễ, đoàn Hò Bá trạo, những mâm đựng vật tế lễ, trống chiêng, đoàn múa lân. Lễ nghênh Ông (nghênh thủy triều), rước hồn Ông từ biển về chánh điện. Đoàn nghênh thuỷ triều lên thuyền ra khơi để tiến hành lễ. Trên các thuyền có đội múa dâng bông, đoàn Hò Bá trạo, long kiệu bày linh vị Ông, đoàn Chánh tế, bồi tế, các mâm lễ vật ... Các thuyền treo cờ, trang hoàng lộng lẫy, thực hiện lễ múa bóng và múa hát Bá trạo trên một số ghe. Sau khi các ghe trở về đoàn Bá trạo lại diễn lần nữa để mừng Ông về với bà con làng chài. Lễ tế sanh thực hiện ở Lăng Ông sau đó, bắt đầu lúc 10 giờ đêm, có đội Hò Bá trạo múa lúc cúng xong và cuối cùng là Lễ Tế chánh, lễ quan trọng nhất diễn ra vào lúc nửa đêm. Tế lễ có đọc văn tế ca ngợi Ông Nam Hải, cầu xin Ông được bình an trên biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có một đời sống sung túc, đầy đủ hơn... Hò Bá trạo vừa là một trò diễn dân gian, vừa là một nghi thức trong lễ tế.

alt
Lễ rước sắc phong
alt
Lễ nghênh Ông
alt
Diễn trò Bá trạo
Trong trò Hò Bá trạo có các nhân vật: Tổng Lái (chủ thuyền, người cầm lái và lĩnh xướng điều hành cả đội), Tổng Mũi (ở vị trí đầu thuyền, giữ nhịp cho cả trò diễn), Tổng Thương (vị trí giữa khoang, lo tát nước, nấu bếp, là một vai hề dân gian) và đoàn Trạo phu (cầm chèo, tượng trưng lính hầu Ông Nam Hải) có từ 12 đến 16 người. Mỗi nhân vật có cách ăn mặc và hóa trang khác nhau. Hò Bá trạo không chỉ là ca hát hò mà còn có một nghệ thuật múa rất nhịp nhàng, điêu luyện.

Hát thứ lễ, hát dâng lễ thần linh, do đoàn hát bội thực hiện với tuồng tích thường nói về nhân vật Quan Công trong Tam Quốc Chí. Sau hát thứ lễ là Lễ tôn vương. Đây cũng đồng thời là phần hội. Lễ xong, mọi người vào dâng hương. Các vật tế lễ được làm cỗ đãi dân làng và khách. Những trò chơi giải trí, thể thao đua tài như bơi thuyền, lắc thuyền, đấu bóng chuyền, đánh bài chòi, chơi lô tô ... và hát bội kéo dài và thu hút rất nhiều người đến xem và tham gia.


Nguồn gốc tục thờ cá Ông vốn của người Chăm, người Việt đã tiếp thu trong quá trình giao lưu và trở thành nếp sống của ngư dân. Lễ hội trở thành dịp đền ơn đáp nghĩa theo đạo lí truyền thống Việt Nam. 

(Nguồn: khanhhoa.edu.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *