Điểm Du lịch

Lễ hội Chử Đồng Tử

Thời gian: 10 - 12 tháng 2 âm lịch.

Địa điểm: Đền Đa Hoà và đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Đối tượng tôn vinh: Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân Tiên Dung Công chúa và Tây Sa Công chúa.

Đặc điểm: Lễ rước trên bộ của 9 xã từ các đình làng về đền Đa Hoà; 8 xã khác tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về đền Dạ Trạch; hát trống quân.

Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong Tứ bất tử của điện thần người Việt. Lễ hội diễn ra từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. 

Vào ngày hội, những dòng người khăn áo đủ màu sắc, nườm nượp theo đê hoặc bơi thuyền từ bên kia sông Hồng tấp nập dồn về nơi có lá cờ đại tung bay trước gió nô nức đến trẩy hội tình yêu. Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức ở hai ngôi đền:
Tại đền Đa Hòa
altTừ sáng sớm ngày 10 tháng 2, cuộc rước kiệu của 8 xã xuất phát từ nhiều hướng theo đê sông Hồng tiến về đền Đa Hoà. Nếu có dịp quan sát từ xa du khách sẽ thấy nổi bật trên con đê xanh xanh và nền trời xanh là dòng người sắc màu rực rỡ đầy ấn tượng. Đoàn rước của các xã mỗi khi gặp nhau đều có nghi lễ chào. Tới điểm quy định đoàn rước của xã Đa Hoà (nơi có đền Đa Hoà) ra nghênh đón và nhập vào thành một đoàn rước lớn tiến về đền làm lễ. Thứ tự đoàn rước quy định như sau: Hoàng Trạch, Đồng Quê, Bằng Nha, Phú Thị, Phúc Trạch, Thiết Trụ, Nhạn Tháp, Đa Hòa và cuối cùng là Mễ Sở. 

Đoàn rước của 9 xã tuần tự tiến vào đền trong niềm hân hoan của khách hành hương trẩy hội. Sau khi an vị thánh tại ban thờ các tôn thần, kiệu cùng các đồ rước tập kết tại nơi quy định, thành viên các đoàn rước và khách hành hương ra sân đại tế để làm lễ khai hội.
 
Sau lễ khai hội, dâng hương là các trò chơi dân gian, các trò vui diễn ra cả ngày lẫn đêm trong những ngày hội.

Tại đền Dạ Trạch
Sáng ngày 10 tháng 2, đoàn rước nước của xã Dạ Trạch và 4 xã bạn (Hàm Tử, Yên Phú, Đông Tảo, Tứ Dân) thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên được cử hành từ đền Dạ Trạch tiến về phía sông Hồng lấy nước. 

Mở đường cho đoàn rước là con rồng dài trên 20m được ba chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ màu rực rỡ tay cầm cờ hội (cờ ngũ hành, cờ tứ linh...); trống chiêng; ngựa hồng, ngựa bạch; lỗ bộ, gươm trường bát bửu; phường đồng văn; đội múa sinh tiền, đội múa nón, con đĩ đánh bồng, đội nhạc lễ (bát âm); kiệu rước chóe đựng nước; kiệu rước gậy có nón úp trên đầu gậy, biểu tượng gợi nhớ uy linh của thánh Chử; kiệu đức thánh Chử Đồng Tử; hai kiệu rước nhị vị phu nhân; kiệu rước “Bế ngư thần quan”. Xen vào đội hình là các đội tế,  các bô lão trong trang phục lễ hội truyền thống đi hộ giá kiệu. Các tàn, tán, lọng đi hai bên che cho kiệu.

 Ra đến sông Hồng đoàn rước xuống thuyền. Đoàn thuyền của 5 xã thuộc huyện Khoái Châu xuôi sông Hồng đón đội hình rước của xã Mai Động (tỉnh Hưng Yên) và hai xã Khai Thái, Tự Nhiên (của tỉnh Hà Tây) ghép thành một đội hình lớn. Một cuộc trình diễn du thuyền trên sông và làm lễ lấy nước ở giữa sông Hồng. Kết thúc việc lấy nước đoàn rước lên bờ và rước nước về đền. Khoảng 11h30’ đoàn rước nước về tới đền vừa kịp giờ khai hội. 

Sau khi kiệu rước nước được đưa vào an vị trong đền, các kiệu rước thánh an vị tại sân đền, đội hình ổn định, các đại biểu đến dự đầy đủ. Đoàn rồng tiến qua Cầu Tiên vào cửa đền cúi lạy thánh sau đó lui ra, đoàn múa sinh tiền, múa nón biểu diễn trên cầu. 

Lễ khai hội bắt đầu. 
Sau lễ khai hội, nhiều hoạt động vui chơi, múa hát, tranh tài được tổ chức tại khu vực đền trong những ngày lễ hội.

(Nguồn: vnexplore.net)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *