Điểm Du lịch
Lễ hội đền Mẫu
Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương nhà Tống (Trung Quốc), được người đời tán xưng là Dương Thiên Hậu, Mẫu Nghi Thiên Hạ. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự tận. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập làng Hoa Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.
Qua nhiều lần trùng tu, quy mô đền như hiện nay là lần tu sửa năm Thành Thái thứ 8 (1897), kiến trúc hoàn chỉnh gồm: tam quan, thiên hương, tiền tế, trung từ, hậu cung. Tòa tiền tế, trung từ có nhiều bức cốn chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý. Hậu cung có tượng Dương Quý Phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, niên đại thế kỷ 17-18. Tượng Quý Phi được tạo tác sống động, nét mặt trang nghiêm, đôn hậu. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là “rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Quý Phi.
Đền Mẫu cũng nổi tiếng bởi có cây sanh, si, đa cổ thụ ngót tám trăm năm ở phía trước cửa đền. Ba thân cây quấn lấy như hòa vào làm một, thân rễ quấn quýt làm thành thế kiềng ba chân vững chãi, cành lá vươn cao xum xuê che phủ cho toàn bộ ngôi đền, tạo ra cảnh trí thâm nghiêm huyền bí. Lễ hội truyền thống đền Mẫu tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 3 âm lịch. Mở đầu là buổi tế long trọng do các quan viên làng Mậu Dương thực hiện. Hôm sau tổ chức rước nước từ sông Hồng về làm lễ mục dục. Buổi rước sôi động nhất là rước liềm và rước du.
Rước liềm tổ chức vào ngày 12/3, đám rước xuống đình Hiến và trở về đền chính. Đi đầu là cờ, trống chiêng, long đình, bát bửu, lộ bộ, có đội múa lân, múa rồng. Đám rước đi một đoạn thì dừng lại để biểu diễn múa cờ. Bốn thanh niên cầm 4 cờ, múa theo nhịp trống, lúc nhanh, lúc chậm. Sau mỗi tiếng trống, người múa cờ “hứ” một tiếng to và dài (nên được gọi là trò “tùng hứ”).
Đám rước du được tổ chức vào ngày hôm sau. Đám rước đi quanh phố. Đi trong đám rước cũng như hôm rước liềm. Trong đám rước, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước, có múa “Con đi đánh bồng”. Đám rước đi đến đâu hai bên đường các gia đình đốt pháo nổ không dứt.
Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, quân cờ là nam thanh nữ tú. Tổ chức thi đấu tổ tôm điếm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn.
(Nguồn: saigontoserco.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch