Điểm Du lịch
Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn
Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn được tổ chức ngày 10-12 tháng Giêng âm lịch, tại Dinh bà Chiêm Sơn, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Lễ hội là dịp bày tỏ niềm tôn kính với người đã khai sinh ra nghề ươm tằm dệt lụa cho địa phương. Người tham gia lễ hội có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Quảng Nam. Lễ hội còn là dịp để tham gia các trò.
Tương truyền, ngày xưa, trong một khu rừng nhỏ, dân làng Mậu Hòa phát hiện ra một pho tượng đá. Tất cả dân làng hối hả đến để chuyển pho tượng về thờ. Pho tượng càng ngày càng trở nên nặng một cách kỳ lạ. Sức trai làng không ai bê nổi. Vào một đêm trăng sáng, có 8 mục đồng ở làng Chiêm Sơn mang theo dây thừng và những cây tre chắc dẻo đã chuyển pho tượng nhẹ nhàng như không. Khiêng một đoạn đường, các dây thừng đột nhiên bị đứt. Những vị cao niên của làng Chiêm Sơn quyết định thờ “Ngài” chung với các vị thần Cao Tác của làng. Một lần nữa, pho tượng lại càng nặng hơn không thể nào nhích lên nổi. Từ đó mọi người mới quyết định lập Dinh để thỉnh Bà vào thờ ngay vị trí mà bà đã có ý chọn chỉ thờ cho riêng Bà.
Dân làng Chiêm Sơn từ đó trở nên yên bình. Mọi tai ương, hạn hán, dịch bệnh đều có Bà Chiêm Sơn che chở. Tương truyền, một vị vua triều Nguyễn có lần kinh lý Quảng Nam đến viếng lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu và Hiếu Chiêu Hoàng hậu phải đi ngang đường lộ trước Dinh Bà. Khi đi ngang qua, ngựa bỗng nhiên lồng lên rồi vùng chạy. Khi được biết sự linh thiêng của ngôi Dinh và uy lực siêu nhiên của Bà Đá đem đến bình an cho dân làng Chiêm Sơn, ngày mồng 8 tháng 6 năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được vua ban sắc phong Thái Dương Phu nhân. Tiếp đến ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu nhân tôn thần. Sắc phong có đoạn: “Ngài được ghi rõ tặng thêm thần hiệu Trai Tịnh Trung Đẳng thần. Đặc biệt phê chuẩn để phụng thờ Ngài và ghi vào hàng Quốc khánh để kính dâng lễ mục cúng kính Ngài theo nghi điển”.
Trải qua bao thăng trầm, Dinh Bà Chiêm Sơn và truyền thuyết về Bà vẫn được dân làng Chiêm Sơn gìn giữ như một bảo vật truyền thống đời đời. Tháng giêng, sau ba ngày tết, bảy ngày xuân thảnh thơi, dân làng Chiêm Sơn lại cùng nguyện cầu bình an viếng Dinh Bà Đá.
Hằng năm nhân dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức lệ Bà.
Phần lễ: Lễ tế Dinh Bà được chính thức bắt đầu vào lúc 0h sáng ngày 12 tháng Giêng. Mâm lễ tế Bà do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo, trái cây. Ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có 1 con cua đồng, một nhánh tỏi có cả rễ và lá, một cây cải, một con chồn quay, một con cá lóc nấu om. Còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đũa xôi và một con gà luộc. Sau buổi tế lễ toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày. Những người dâng lễ hầu hết là các bô lão trong làng Chiêm Sơn, số lượng ban tế lễ từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng. Đúng 7 giờ sáng là lễ rước sắc phong xuất phát từ bến Giá Ngự về Dinh Bà.
Phần hội: Hội của làng có rất nhiều những hoạt động, những trò chơi dân gian như hát tuồng, bài chòi, đá gà, thi cờ tướng,…Những đứa trẻ mục đồng thì có một buổi sinh hoạt dưới chân núi, những chú nghé con được cậu bé mục đồng đội cho vương miện bằng hoa mua tím chuẩn bị cho hội thi nghé duyên dáng, khỏe đẹp, giỏi đường cày./.
(Nguồn: lehoi.cinet.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch