Điểm Du lịch
Lễ hội Hang Bua
Thời gian: 21 - 23/1 âm lịch.
Địa điểm: Xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Đặc điểm: Hội vui xuân của người dân tộc.
Hang Bua là một thắng cảnh thiên nhiên nằm trong dẫy núi đá vôi với nhiều hình thù độc đáo gắn liền với truyền thuyết lịch sử. Vào ngày hội Hang Bua, đông đảo bà con nhiều dân tộc khác nhau từ các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông về dự hội lộng lẫy trong trang phục dân tộc mình. Những điệu múa nhảy sạp, ném còn, thổi khèn, bắn nỏ... thu hút rất đông người tham dự. Hàng năm Hang Bua còn tổ chức cuộc thi người đẹp vùng sơn cước.
Đặc điểm của lễ hội Hang Bua là hình thức tâm linh thường đơn giản và thiên về phần hội. Điều đó đáp ứng nhu cầu được giao lưu sinh hoạt văn hóa của đồng bào thiểu số quanh năm chỉ đối mặt với núi rừng được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19 tháng giêng, luôn thu hút được số lượng lớn người tham gia. Nhân dân khi về dự lễ hội không mang theo hành trang của người hành hương mà luôn mong mỏi được trao đổi giao lưu văn hóa, được thưởng thức cái đẹp những truyền thống văn hóa dân tộc thể hiện qua nhiều hình thức sinh động khác nhau, đặc biệt qua các loại hình nghệ thuật dân gian cũng như hiện đại. Dàn cồng chiêng của các chàng trai, cô gái Thái vang lên rộn rã với tiết tấu bốn âm thanh như tiếng vọng của non ngàn. Những trò diễn, những điệu múa rộn ràng kết hợp với sắc mầu rực rỡ của cây xăng tang, của ánh nến lung linh, với tiết tấu dồn dập của trống, sự giục giã thôi thúc của dàn khắc luống. Rồi tiếng réo rắt của sáo, tiêu, khèn bè và bay bổng những làn điệu dân ca nhuôn, xuối, lăm, khắp... Cả núi rừng đều như bước vào hội xuân.
Nghệ An có nhiều lễ hội như lễ hội đền Cồn, lễ hội sông nước Cửa Lò, lễ hội uống nước nhớ nguồn..., nhưng lễ hội Hang Bua vẫn thu hút được nhiều người hơn cả. Đó là những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian cần được gìn giữ và phát triển.
Phần lễ:
- Cúng thần linh tại hang
- Diễn văn khai mạc lễ hội
Phần hội:
Bắt đầu từ sáng ngày 21 tháng giêng đến hết ngày 23 tháng giêng.
- Các trò chơi dân gian: ném còn, khắc luống, nhảy sạp, múa lăm, uống rượu cần...
- Thể thao: thi đi cà kheo, đấu bóng chuyền, bóng bàn, kéo co...
- Văn hoá văn nghệ: biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi nét đẹp trang phục các dân tộc vùng cao.
- Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá, lịch sử quanh vùng: hang Thẩm Ồm, thác Xao Va...
- Tổng kết và trao giải thưởng.
(Nguồn: TCDL và Sở DLNA)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch