Điểm Du lịch

Lễ Hội Hát xoan An Thái

An Thái là một làng thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Vào mỗi độ xuân về, trên mảnh đất bên hữu ngạn sông Lô này lại rực rỡ sắc cờ và rộn rã tiếng ca xuân. Đình An Thái thờ thần núi và các vị vua Hùng, ngày chính tiệc của đình vào mùng 1 tháng giêng, dân làng mở hội lớn, trong hội có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo không chỉ của làng An Thái mà có ở rất nhiều làng trên vùng đất trung du Phú Thọ.

Hát Xoan là một hình thức nghi lễ phong tục được tổ chức ở cửa đình vào mùa xuân, gắn với lễ hội đình làng, vì thế còn gọi là hội hát xuân. Tương truyền, hát Xoan có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết ở vùng Xoan An Thái kể rằng: Hoàng hậu vợ vua Hùng mang thai, đến kỳ sinh nở đau bụng mãi mà không đẻ được. Có một người hầu gái tâu với vua về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi hát hay, nếu đón nàng về thì có thể đỡ đau mà sinh nở được dễ dàng. Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến, giọng hát hay như chim hót và đôi tay múa dẻo như bún của nàng đã làm cho hoàng hậu quên đau mà sinh hạ hoàng tử. Nhà vua mừng rỡ hết lời ngợi khen và truyền cho các cô gái của mình học lấy điệu múa hát ấy. Đó chính là điệu hát Xoan bây giờ. Các cụ già lý giải, bởi vì được hát vào mùa xuân nên còn được gọi là hát Xoan (từ “xuân” gọi chệch thành).

Để chuẩn bị vào hội, từ đầu tháng chạp dân làng đã cử đại diện họp bàn các công việc như phong quang đường làng lối xóm, chọn trưởng tế và các quan viên, tập múa lân, cắt cử người làm lễ vật dâng thần, chuẩn bị các chân cờ, chân kiệu,... Phường Xoan cũng luyện tập đêm ngày sao cho trong ngày hội không xảy ra điều gì khiến thần linh trách quở.

Sáng mùng 1 tháng giêng, cụ từ ra đình mở cửa, ông chủ tế vào làm lễ động thổ mời Vua về hưởng tế và nghe hát Xoan. Sau đó, dân làng rước kiệu đón Vua về. Đoàn rước trống dong cờ mở, đi đầu có sư tử dẹp đường, theo sau là cờ, trống, chiêng, phường bát âm, kiệu, đội tế, các quan viên và dân làng. Đoàn rước đi vòng đường trên ngõ dưới, khắp các ngả đường tựa như con rồng đang uốn lượn phun nước tưới xuống ruộng đồng hứa hẹn một năm mới với mùa màng bội thu. Trở về đình, sau tế lễ là đến phần hát thờ (hát Xoan).

Mở đầu, ông trùm phường Xoan cùng chủ tế đứng trước hương án khấn lễ thánh, sau đó hát bài Nhập tịch mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ, bốn đào xoan tay cầm quạt đứng múa phía sau. Sau bài Nhập tịch này, cuộc hát chính thức bắt đầu. Một chiếc chiếu được trải ngay ngắn ra giữa sân đình An Thái tượng trưng cho một sân khấu nhỏ, phường Xoan phải trình diễn trên sân khấu đó theo đúng nghi thức trước cửa đình:

Trước hết là phần lễ nghi tôn giáo với 4 giọng lề lối mở đầu mang nội dung ca ngợi thần thánh và nói cảm xúc của dân làng trước thần linh, gồm: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang và đóng đám (Mang ý nghĩa nổi trống, đốt pháo, dâng hương và vào đám). Trên chiếu, một kép nhỏ tay cầm trống con vừa hát vừa múa, xung quanh có 4 đào xoan đứng ở 4 góc chiếu vỗ trống hát theo giọng Giáo trống, giáo pháo. Đến Thơ nhang và Đóng đám, kép ngồi khoanh chân bên ngoài chiếu hát, trên chiếu, 4 đào tay cầm quạt múa. Khi hát bài Thơ nhang, 4 cô đào mỗi cô cầm 3 nén nhang, múa hết bài trao nhang cho ông từ cắm lên bát nhang thờ. Xung quanh, mọi người im lặng dõi theo từng động tác, mùi hương trầm toả ra ngào ngạt, những nén hương cháy đỏ như những nén tâm nhang dân làng An Thái thành kính dâng lên các vị thần linh. Những câu hát Đóng đám với lời hát và điệu múa êm nhẹ khép lại phần hát lễ nghi tôn giáo. Với lối hát đan xen nam nữ, nam hát chính, nữ hát đuổi theo và hát đệm “tầm vông”, 4 giọng lề lối mở đầu đã tạo nên không khí linh thiêng mà cuốn hút với du khách về dự hội. 

Tiếp theo là phần trình diễn 13 quả cách theo thứ tự: Kiều dương cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối rẫy cách, Hò chèo cách, Hồi liên cách và Tứ dân cách. Mỗi quả cách là một tiết mục múa hát tổng hợp được biểu diễn liên hoàn với sự tham gia của các cô đào và kép. Lúc này, kép xoan tay cầm dùi phách ngồi trước hương án, trước mặt đặt quyển sách chép 13 quả cách. ở phần này, kép hát chính, trên chiếu 4 cô đào vừa múa vừa hát đệm theo. Đây có lẽ là phần hát thu hút được sự chú ý của người xem nhất vì nội dung của các quả cách rất phong phú, có thể là mô tả đời sống và sinh hoạt của tầng lớp người đương thời ở nông thôn, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên 4 mùa hoặc kể truyện cổ tích xa xưa.

Dân ta tế thế công khanh

 Rày được an lành xoan tiết xướng ca.

Nay mừng khắp hết các nhà

Dâu thuận rể hoà lại được khang ninh.

Trông ơn đại vương thần thánh uy linh

Giáng đàn phù hộ dân đinh thọ tràng.

Những lời khẩn nguyện cuối trong Tứ dân cách đã kết thúc phần hát 13 quả cách hát thờ chính. Trong tiếng vỗ tay tán dương nhiệt liệt của mọi người, phường Xoan tạm nghỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, 2 cô đào trẻ đẹp ra thay nhau hát các giọng nhà tơ nhưng chỉ hát các giọng phú lý chứ không hát các giọng ca trù. Phần hát này phường Xoan còn gọi là “hát chơi bời”.

Hát phú lý xong, phường Xoan vào hát các giọng lề lối sau hát thờ, gồm có: Bỏ bộ, Bợm gái, Đúm, Xin huê - Đố chữ và Cài huê - Mó cá. Sau bài hát Bỏ bộ và Bợm gái, hát Đúm là phần sôi động và lôi cuốn nhất trong cuộc hát Xoan, vì đây là tiết mục giao lưu hát đối đáp giữa trai làng An Thái và các đào trong phường xoan của làng.  Quả đúm là chiếc khăn tay bọc miếng trầu và đôi ba đồng tiền, mỗi quả đúm là một cặp hát, khi hát, trai gái vừa hát vừa ném cho nhau. Quả đúm ném đến đâu, người nhận đúm sẽ thay trầu và bỏ tiền mừng dành cho đào và trao cho trai làng được cử ra hát Đúm tiếp theo. Mỗi khi cô đào ném đúm lại tạo nên không khí sôi nổi và hồi hộp xem ai sẽ là người được nhận quả đúm, nhất là quả đúm đầu tiên.

Sau các quả đúm là hát Xin huê - Đố chữ. Tiết mục này hát đối đáp nam – nữ giữa đào và trai địa phương, không có múa và không hát chúc tụng.

Anh đố em biết huê gì nở trong rừng bạc bội?

Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?

Anh đố em biết huê gì nở bảy tám lần chông?

Anh đố em biết huê gì nở mùa đông vàng trắng vàng?

Những lời hát ngân lên nghe quen thuộc mà vẫn cuốn hút lạ kỳ. Quanh sân đình, mọi người vừa chăm chú lắng nghe lại vừa lẩm nhẩm hát theo. Cứ như vậy, họ hát đố rồi lại hát giải hết huê rượu, huê lau, huê sim, huê gạo,…rồi lại đến đố  - giải chữ thê, chữ vũ, chữ  nộ,… 

Cài huê - Mó cá là tiết mục hát cuối cùng của nghi thức hát xoan dâng Vua trong hội làng An Thái. Đây là hình thức hát múa lễ nghi với ý nghĩa dâng hoa, dâng cá lên thành hoàng cầu phúc lộc.

Thơm thanh một cánh huê hồi

Lòng anh thuận lấy cô ngồi đầu huê

Khi lời hát được cất lên, trên chiếu đình 12 đào xoan kết với 4 trai làng An Thái tạo thành một bông hoa 4 cánh, 3 nữ vòng ngoài kết với 1 nam bên trong tạo thành một cánh hoa. Cứ nữ bên ngoài làm cánh, nam chụm bên trong làm nhuỵ, họ hát múa hết huê này tới huê khác, những cánh tay đan nhau, thân mình uốn lộn từ trong ra ngoài tạo nên sức cuốn hút và gây nên cảm xúc lạ thường cho người xem. Đó là sự xúc động về thời khắc như phút chốc thăng hoa của những người nông dân quanh năm lam lũ kiếm kế sinh nhai, đến cuối năm, lại tụ thành phường hát, chăm chỉ luyện tập và rồi trong ngày hội làng, họ thay dân làng thành kính dâng lên Vua làng những lời ca đẹp, đồng thời cũng dẫn người xem đi hết từ thú vị này đến thú vị khác. Có thể nói, Cài huê là điệu múa sinh động vì có tính đồng diễn nam nữ và những động tác múa đan xen mang tính nghệ thuật cao. Vì thế, nghi thức hát xoan năm nào cũng vậy, hát ở đình nào cũng thế, vậy mà vẫn cuốn hút đến bất ngờ. 

Sau Cài huê chuyển sang Mó cá, các cô đào đan tay vây lấy trai An Thái. Kết thúc điệu hát, múa Mó cá tựa như một trò chơi. Nam làm điệu bộ xông ra, hai tay dang đưa ra làm lưới tìm bắt đào là cá. Đào né tránh nhưng vẫn phải giữ đội hình, sau đó, nam bắt 1 hoặc 2 đào dắt tay đưa vào hậu cung.

Có thể nói, chiếu đình An Thái ngày hội như một sân khấu nhỏ, diễn viên là đào, kép phường xoan An Thái và trai địa phương, vở diễn được diễn theo nghi thức nhất định mà Mó cá với điệu “bắt cá” kết thúc là một hình thức lễ nghi quan trọng nhất, thể hiện mục đích tối cao của buổi diễn xoan và mang ý nghĩa cầu phồn thực đặc trưng của một số địa phương trên vùng đất Tổ. Toàn bộ quá trình diễn xoan là hình ảnh  trống - pháo - hương - hoa được hình tượng hoá, thi vị hoá trong Giáo trống - Giáo pháo - Thơ nhang - Xin huê và Gài huê, rồi kết thúc bằng tiết mục múa dựa trên đề tài vật linh - vật dâng tế là hình ảnh con cá - một sản phẩm của sản xuất nông nghiệp, nó thể hiện dấu ấn nông nghiệp, mang tính cá biệt, tính bản địa riêng có của vùng đất Tổ cội nguồn.

Sau Cài huê - Mó cá, ông trùm xoan An Thái hát Chào giã (là lời chào giã đám) chào Vua làng ra về, trong khi trùm xoan hát, 4 cô đào múa từ trong lòng đình múa ra sân đình với ý nghĩa cung kính tiễn thánh ra về.

Lễ hội làng An Thái hấp dẫn bởi nó chứa đựng nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian, là văn học, là hát, là âm nhạc, là tạo hình, tất cả tạo nên một màn diễn xướng hát Xoan độc đáo. Những hình ảnh trong Xoan dân dã, đời thường nhưng thể hiện nhữngước vọng to lớn và mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của cư dân nơi đây.

Lễ hội hát xoan ở An Thái là lễ hội hết sức quan trọng bởi nó chứa đựng một di sản dân ca quý báu, đặc sắc, rất nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, hội xoan đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp các ngành chức năng để khôi phục, bảo tồn và phát triển loại hình văn hoá dân gian độc đáo này của vùng đất Tổ.

(Nguồn: www.phutho.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *