Điểm Du lịch

Lễ hội rước ông Khiu, bà Khiu

Vùng đất Lâm Thao vốn là nơi tụ cư đông đúc của dân cư các thời đại. Vào khoảng hơn một vạn năm trước con người đã sinh sống ở đây. Cho đến ngày nay dấu vết vật chất hiện còn là các công cụ bằng đá cuội do ghè đẽo mà thành. Các nhà khảo cổ học gọi đó là văn hoá Sơn Vi được mang tên một xã thuộc vùng đồi gò Lâm Thao, nơi tìm ra dấu tích đầu tiên của loại hình văn hoá này - xã Sơn Vi.

Vào khoảng 4000 năm trước, người Việt cổ lại tập trung định cư hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện Lâm Thao và ven các con sông Lô, sông Thao, sông Đà. Lần này con người đã liên tục nối đời cư trú hàng nghìn năm và phát triển cho đến tận ngày nay. Địa điểm tìm thấy con người cư trú đầu tiên là Phùng Nguyên. Đó là thời mở đầu nền văn minh nền nông nghiệp làm lúa nước của cư dân Lạc Việt. Từ nền văn minh nông nghiệp này mà các cơ cấu tổ chức xã hội, ý thức tư duy, của văn hoá Việt được hình thành và Nhà nước Văn Lang đã ra đời với các Vua Hùng có công dựng nước.

Sách Việt sử lược - thế kỷ thứ XIII còn ghi: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 trước CN) ở Bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang... truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.

Tên Gia Ninh lúc này là một bộ chủ chốt của thời dựng nước. Về sau được đổi gọi là Bộ Văn Lang, vì sau khi thống nhất các bộ lạc, Vua Hùng đã đóng đô ở Văn Lang, đặt tên nước là Văn Lang.

Suốt thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, bộ Gia Ninh đã được gọi là bộ Văn Lang, đến khi bị phong kiến phương Bắc thống trị. Năm 111 (trước công nguyên) chúng chia nước ta thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Quận Giao Chỉ tương đương với miền Bắc nước ta hiện nay. Dưới quận là huyện, Lâm Thao lúc đó thuộc huyện Mê Linh.

Đến thế kỷ thứ III đất Lâm Thao nằm trong huyện Gia Ninh (tên Gia Ninh lúc này được tái đặt lại).

Đến thế kỷ thứ VI thời kỳ nhà Tống thống trị, đất Lâm Thao vẫn thuộc huyện Gia Ninh.

Từ năm 621 đến khi Ngô Quyền giải phóng đất nước khỏi ách lầm than của phong kiến phương Bắc (thế kỷ X), Lâm Thao nằm trong vùng giữa của huyện Gia Ninh lúc này chỉ còn thu nhỏ trong vùng Bạch Hạc - Việt Trì và Thừa Hoá - (đất đai Phú Thọ cũ). Vì không còn những bản đồ phân chia ranh giới nên vị trí cụ thể khó có thể tra cứu được. Nhưng chắc chắn tên Gia Ninh vẫn còn nằm ở một phần đất Lâm Thao xưa.

Từ thế kỷ XI - Thời kỳ nhà Lý đã chia lại các đơn vị hành chính trong cả nước gồm 24 lộ, dưới lộ - miền đồng bằng là phủ, miền núi là Châu. Đất Lâm Thao thuộc Châu Đăng. Từ đó tên Gia Ninh không còn nữa. Nhưng vẫn còn gợi lại trong các huyện khác nhau như: Phủ Gia Hưng (Hưng Hoá cũ), huyện Phù Ninh. Phải chăng là sự chia tách đất Gia Ninh đã tạo ra các địa danh như vậy.

Theo dòng thời gian, ngày xuân ta về với hội làng Mai Đình xưa để được đắm mình trong huyền thoại, trong tập tục của các lễ hội dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ.

1. Lễ rước giải:

Rước giải vào ngày mồng 3 tháng giêng Âm lịch. Sắm lễ xôi gà và làm ông giải được tiến hành như sau:

* Sắm lễ xôi gà:

- Chọn gà: Bốn giáp Đông, Nam, Đoài, Bắc, mỗi giáp nuôi một con gà trống mào cờ, lông đỏ, nuôi tại nhà ông trưởng giáp đóng một chuồng, nuôi gà trong nhà bên cạnh. Mua một nồi mới, nấu cơm riêng cho gà ăn hàng ngày, nuôi trước một tháng.

Bốn giáp chọn một ông gọi là ông chứa giáp (còn gọi là ông cai hội). Yêu cầu chung là ông chứa giáp phải có đủ vợ chồng, con đủ trai gái, nhà không có tang, gia đình vương trưởng, an khang, thịnh vượng.

Đến ngày mồng 2 tháng giêng, bốn giáp mang gà đến nhà ông chứa giáp, con nào béo và đẹp nhất được lựa ra để mổ làm lễ.

Ông chứa giáp được sắm lễ xôi gà, gà do chính ông cắt tiết, làm lông sạch sẽ. Mổ xong lấy dây buộc hai cánh gà vào cổ gà, lấy cây luồn qua, hai người cầm hai đầu cây, một người múc nước xôi dội vào gà cho tới khi chín. (Các cụ kiêng không được luộc gà vào nồi cũ, sợ ô uế lễ vật).

- Chọn gạo nếp: Gạo nếp cái hoa vàng, không lẫn tẻ, xôi không có đỗ, không có muối (xôi trắng).

Sáng mồng 3 lễ xôi gà được sắp lên mâm, ông chứa giáp đánh 3 hồi trống, ông chủ tế cùng các liền anh và dân làng kiệu lễ ra đình. Kiệu lễ do 4 thanh niên mặc quần áo đỏ rước đi.

* Làm ông giải:

Sáng mồng 2 tết ông cai hội chọn cử một số cụ già và một số thanh niên, một ông tên là ông Pháp rất khéo tay thường đan các con vật bằng nan tre (các cụ gọi là hàng mã) đến nhà ông cai hội cùng làm ông giải.

Bốn giáp đều đóng mỗi giáo 10 tờ giấy màu vàng và vài vuông vải đỏ để làm đủ 5 ông giải.

- Chọn tre: 10 cây tre bánh tẻ dài khoảng từ 7 đến 9m, không cụt ngọn xanh tốt, không bị kiến, có củ và dễ để làm đầu giải. Giải làm bằng 1/2 cây tre, lấy vải đỏ cuốn vào thân cây tre, cắt nhiều giấy làm hình vảy rồng dán lên thân tre, đuôi giải được cắt bằng giấy màu thành nhiều giải. Củ tre được cuốn giấy để làm đầu giải, rễ tre làm dâu giải.

Giấy màu được dán thành các hình con ba ba, tôm cua, cá, ếch... Trên khung xương được tán bằng khung tre, buộc một diều hình thuyền, trên cán treo các con thủy lộc lủng lẳng.

Chẻ nan tre làm một số nơm, dậm, rập để cho 1 số ông làm nghề đánh cá mang theo khi tham gia lễ rước. Nan đan thưa (tượng trưng) và được dán giấy màu bọc theo từng chiếc.

Sáng mồng 3 ông giải được rước ra đình trên cái giá kê bằng gỗ (ở giữa sân đình).

Lễ xôi gà, trầu cau, 5 ông giải được cung kính đặt ngay ngắn tại sân đình. Cờ quạt, tàn lọng, kiệu, bát âm, chấp, kích, trống chiêng, sắp xếp theo thứ tự. Ông chủ tế đánh 3 hồi trống, đội tế gồm 14 người vào tế và đọc văn tế: “chính nguyệt sớ tam nguyệt văn tế” (nội dung bản tế này có bản chép riêng).

Tế lễ xong thì rước giải. Đi đầu là đội cờ, trống chiêng, bát biểu, kiếm đao, sinh tiền bát âm, kiệu văn, kiệu lễ, đội tế cùng 5 ông giải, người úp nơm, đánh đập, đánh rập, vừa đi vừa úp cá, đánh dậm trên đường...

Các quan viên chức sắc trong làng, trẻ già, trai gái tưng bừng náo nhiệt hoà với tiếng đàn, sáo, trống khẩu nhịp nhàng, được rước đi quanh sân nhiều lượt. Rước xong ông giải được hoá tại sân đình. Các trò chơi: Đánh vật, hát nhà tơ, hát ống, kéo co, đu tiên... diễn ra đến buổi chiều và có khi qua đêm đến hết ngày hôm sau.

2. Rước ông Khiu bà Khiu: (còn gọi là lễ cầu mùa).

Lễ diễn ra ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch.

- Chuẩn bị làm lễ rước ông Khiu - bà Khiu được tiến hành như sau:

Bốn giáp cử một ông cai hội. Ông cai hội được làm bánh chưng để rước. Sáng mồng 3 làm bánh chưng. Phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, không lẫn gạo tẻ, hương thơm, không nát. Chọn lá dong bánh tẻ, lá to, để gói một cái bánh chưng dài khoảng 40cm (to hơn bánh chưng ngày tết một chút), ngoài giằng lạt giang như bánh bình thường, khi bánh luộc chín để nguội bao lại một lượt lá dong mới còn xanh rồi giằng thêm một vòng lạt mới ra ngoài cho chắc để khi tung bánh không bị vỡ. Bánh chín được đặt lên mâm cùng một cành hoa đào, có chải lót lá chuối còn xanh tươi mang ra đình làng.

Mâm lễ rước được bài trí như sau: Ông cai hội cử một số ông già và một số thanh niên sắp lễ, mâm lễ gồm: 1 bánh chưng, một cành đào, một bó lúa nếp, một bó lúa tẻ được tẽ ra xung quanh mâm, dưới có nhiều hạt ngô, đậu, lạc, vừng... xung quanh kiệu có dắt những bông lau, bông chít, lấy bụi cây lau tế, các quan viên chức sắc và một số thanh niên quần áo nâu vào chân kiệu.

Trước khi bắt đầu lễ rước ông cai hội đánh ba hồi trống. Dứt trống thì rước kiệu đi.

- Làm giàn Khiu: Giàn Khiu được làm sẵn từ hôm trước, gồm 4 cây tre hoặc 4 cây gỗ, trên cột có đục mộng xà để lát ván làm sàn. Giàn Khiu cao khoảng 2m, dài 2m, rộng 1,8m, sàn lát bằng gỗ phía trên không có mái che.

Ông cai hội làm 10 đoạn tre dán hình đầu trâu, đầu bò; phía trên đầu cây làm một cái nơm, một cái rổ, một lá cờ hồng bằng vải có vẽ một con trâu mẹ và một con nghé màu đen để trai làng vác trong cuộc rước.

- Chọn ông Khiu và trang phục: Ông Khiu là một người đàn ông khoảng 60 đến 65 tuổi, khoẻ mạnh đẹp lão, vợ chồng song toàn, có đầy dủ con trai con gái, gia đình không có tang. Chấp hành tốt chính sách của Nhà nước và quy ước văn hoá của làng. Ông Khiu mặc trang phục áo trắng ở trong cùng, áo chàm lam xanh thụng bên ngoài, đầu đội mũ tế, mặc quần trắng, chân đi hia. (Ông Khiu đồng thời là chủ tế).

- Chọn bà Khiu và trang phục: Bà Khiu là một thanh niên nam đóng giả tuổi từ 12 đến 17 tuổi, khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, bố mẹ song toàn, anh em có trai có gái. Trước khi đóng bà Khiu phải tắm rửa sạch sẽ, khi đóng bà Khiu phải dấu mặt, (thường được che mặt bằng một cái khăn đỏ). Sau khi rước xong bà Khiu được đưa xuống chuồng trâu để thay quần áo, theo quan niệm việc đó để thần thánh khỏi lấy mất vía người trần tục.

Trang phục của bà Khiu: bà Khiu mặc áo trắng ở bên trong, ngoài mặc váy mớ 3 mớ 7, váy màu đen đầu đội nón ba tầm, chân đi guốc mỏ, tay bà Khiu cầm một cái túi nhỏ bằng hoa vải đỏ, trong túi có 9 miếng trầu têm cánh phượng, 9 miếng cau đậu bổ rời từng miếng, 9 miếng vỏ cay (hoặc rễ ăn trầu).

Sáng mồng 4 bà Khiu được đưa đến điểm xuất phát của lễ rước tại điếm Giõng. ông bà Khiu được rước đến sân đình. Lễ vật được tiến vào trong đình để làm tế lễ. Tế lễ xong, đội cờ, đội trống chiêng, bát bửu, kiếm đao, sinh tiền, kiệu văn, kiệu rước lễ, kiệu  ông Khiu bà Khiu được rước đi. Các quan viên vây kín ông Khiu bà Khiu. Một người vác cờ màu hồng có hai mẹ con trâu và nghé, phía dưới cán cờ có treo nơm, giỏ đựng cá. Có 5 thanh niên mặc quần áo nâu vác cờ hình đầu trâu, đầu bò bằng giấy dán vào nan đan, 5 thanh niên khác trong trang phục nâu vác cờ bông luá vừa đi vừa làm trò vui vẻ, đi cùng đám rước trẻ, già trai gái trong làng rất đông vui. Rước đến oa nhà Nít các cụ gọi là (đá dái hay cái của phụ nữ). Kiệu được đặt cạnh ông bà Khiu, thầy cúng, người đánh trống khẩu, người đánh chiêng. Lễ vật bánh chưng được đưa lên giàn. Ông Khiu làm lễ đầu xuân tại đình làng Khấn rằng:

“Cầu cho dân khang vật thịnh

Mưa thuận gió hoà

Để dân làng ta

Có nơm úp cá

Có giá đựng xôi

Cầu cho dân làng ta

Mưa thuận gió hoà

Cho dân làng ta, có nơm úp cá

Cho dân làng ta, có giá đựng xôi”.

Khấn 3 lượt. Sau mỗi lần khấn xong, người đánh chiêng đánh trống lại thúc lên một hồi, dưới sân dân làng lại “Hú! Hú! Hú!” nhiều lần. Hết bài khấn ông Khiu, bà Khiu lại ngẩng lên trời vái 3 lần. Ông cầm trống khẩu, ông đánh chiêng, bước xuống sàn, trên sàn chỉ còn lại Ông Khiu, bà Khiu. Lúc này ông Khiu cầm bánh chưng, bà Khiu bưng mâm ngũ cốc, nhứ xúng quanh sân, nhứ bên nào dân làng lại xô bên ấy miệng reo “Hú! Hú! Hú! Hú!” nhiều lần. Cuối cùng ông Khiu tung bánh chưng, bà Khiu tung ngũ cốc, dân làng đổ xô thi nhau cướp để lấy may. Người nọ cướp giằng trên tay người kia. Bánh chưng vỡ nát ra - Ai cướp được nhiều hạt ngũ cốc, nhiều bánh chưng thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, người người no đủ.

Kết thúc cuộc rước, dân làng còn tổ chức nhiều trò vui nhộn như đấu vật, văn nghệ, đánh cờ, kéo co, chơi tổ tôm điếm, kéo lửa nấu cơm thi, hát ống...

3. Lễ rước tế thánh.

Rước tế thánh được tổ chức vào chiều tối 22 rạng 23 tháng 2 Âm lịch. Theo truyền thuyết thời Hùng Vương, Tản Viên cùng quân lính đánh giặc qua đây, đi đến một quả gò (thuộc xã Thanh đình ngày nay) thấy địa thế đẹp và mát mẻ, Tản Viên mắc võng cùng quân lính nghỉ lại một đêm.

Sau này dân làng nhớ ngày Tản Viên qua đây sắm lễ xôi trắng, thịt lợn và kiệu võng đào ra gò làm lễ. Gò đó nay gọi là gò tế Thánh.

+ Lễ rước tế Thánh được tổ chức như sau:

Dân làng chọn ông cai hội cũng như hai lễ rước Giải và rước ông Khiu bà Khiu.

Ngày 22 tháng 2 Âm lịch ông cai hội được sắm lễ xôi và một thủ lợn. Chiều tối 22/2 lễ được đặt lên mâm chu đáo, ông cai hội đánh 3 hồi trống, dân làng cùng chủ tế, quan viên chức sắc rước lễ ra sân đình. Đèn đuốc sáng rực sân đình, đình được mở cửa. Ông cai hội mặc quần áo tế, đội mũ tế, đi giày, chọn giờ tốt khấn bái cúng Thánh Tản Viên.

Cúng xong ông chủ tế hướng về núi Ba Vì vái ba vái, hai thanh niên quần áo vận gọn gàng cầm hai cờ đuôi nheo phất đi phất lại. Hai người khiêng trống cái, một người trống khẩu, một người đánh chiêng. Sau một tiếng trống một tiếng chiêng dân làng lại “Hú Huê” đồng thanh nhiều lần (ý nghĩa “Hú Huê” là để mời gọi Tản Viên về).

Đám rước ra gò Tế Thánh, vừa đi dân làng vừa hú huê, chiêng trống nổi lên, đàn sáo nhịp nhàng.

Tới gò Tế Thánh, ông chủ lễ làm lễ, chờ lúc gió bay cờ mở là lúc Tản Viên đã về, dân làng mới rước về đình. Sau đám rước ở sân đình nhà hát tơ, đánh cờ đến sáng.

4. Hú cờ:

Hú cờ được diễn lại theo tích: “Một hôm công chúa Ngọc Hoa sang chơi nhà bố mẹ đẻ. Trên đường về nhà chồng, Ngọc Hoa qua làng Mơ thuộc đất Gia Ninh, được dân làng Mơ ra đón rất đông. Đường rừng nhiều dốc khó đi, cây cối rậm rạp, đi đến một đỉnh rừng bằng phẳng, trên đỉnh lại có hồ nước trong (rừng đó nay gọi là oa nhà Nít) một cảnh kỳ thú hiếm có, dân làng mắc võng lên hai cây to để Ngọc Hoa nghỉ tạm chờ chồng sang đón. Đêm hôm đó Ngọc Hoa trở dạ, dân làng đốt lửa bày nhiều trò múa hát, cầm cờ phất đi phất lại, miệng “hú, hú, hú, hú”, cứ mỗi lần hú dân làng hướng về núi Ba Vì để gọi Tản Viên. Dân làng còn sang mời Kẻ Vầy đến cùng đánh phết, múa hát làm vui.

Sau này dân làng Mơ nhớ lại ngày hội ngộ giữa dân làng và công Chúa Ngọc Hoa đã làm lễ ra quả gò tròn rất đẹp gần oa nhà Nít, đi qua gò De, qua gò Tế Thánh đến gò đó, gọi là gò thờ để diễn lại tích xưa, trò đó gọi là tục hú cờ.

Lễ rước hú cờ được diễn ra như sau:

Chiều tối 22 tháng 2 Âm lịch, ông cai hội chuẩn bị lễ xôi gà, bánh trôi, bánh nẳng, trầu cau, cùng các quan viên chức sắc, dân làng rước ra đình. Kiệu rước lễ, rước võng đào, cờ quạt, tàn lọng, bát âm, chấp kích chuẩn bị đầy đủ.

Ông chủ tế mặc quần áo tế, đội mũ màu tím, chân đi hia, hai quan viên mặc quần áo nâu, chân đi giày, đầu chít khăn tím buộc nút để sang tai, tay cầm hai cờ đuôi nheo cùng dân làng chầu trực tại sân đình, đèn đuốc sáng rực.

Đúng 12h đêm ông chủ tế lẳng lặng mở cửa đình tiến lễ trịnh trọng cúng Ngọc Hoa (có bài cúng riêng).

Hai quan viên cầm hai cờ đuôi nheo chạy ra sân rồi chạy lại vài vòng, miệng “hú hu hu hu hu”. Dân làng “hu hu hu hu” theo, sau đó họ chạy ra gò thờ đốt hai pháo lệnh. Dân làng nổi trống chiêng, cờ quan, tàn, lọng, bát âm, kiệu văn, kiệu võng thứ tự, cùng các quan viên, chức sắc và dân làng rước ra gò Thờ. Chờ khi gió thổi cờ bay lúc đó bà Ngọc Hoa đã về, dân làng mới nổi trống rước về đình. Hai quan viên vừa chạy vừa reo to “hú hu hu hu” dân làng lại hú theo: “hú hu hu hu” được diễn đi diễn lại nhiều lần. Không khí lễ rước hú cờ được diễn ra náo nhiệt.

Tối hôm đó tại đình làng có hát nhà tơ, hát xoan có mời phường An Thái cùng đến hát (các cụ kể lại ngày xưa ở Gia Ninh có dòng họ Đinh Công từ Phù Đức đến ở nên hàng năm có về hát xoan).

Cùng ngày làng Mơ đón làng Vầy sang rước kiệu, đánh phết, trên kiệu có buồng cau tươi và vôi hồng, trầu rước đến gò thờ dân làng Vầy cùng làng Mơ cúng lễ, sau đó rước lễ về đình mình để tế Thành Hoàng và tế thần xã tắc.

Những ngày hội này liên quan đến sự tích của làng. Đây là các trò diễn liên quan đến phồn thực, tín ngưỡng nông nghiệp, nó chứng tỏ đây là một ngôi làng cổ, đến nay vẫn còn bảo lưu những nét văn hóa thời Hùng Vương dựng nước. Đi sâu nghiên cứu, đây chính là nơi ngày xưa có tên Gia Ninh - tên Gia Ninh vẫn còn được bảo lưu ở đây - xã Gia Ninh cổ rồi sau đó mới đổi thành tên Thanh Mai - Thanh Đình chắc chắn ngày xưa phải là một tên Âm Việt cổ chẳng hạn nh Bồ Chính là người giúp việc cai trị của Các Vua Hùng; kẻ Giáp viết chệch thành kẻ Gáp (xã Tứ Xã ngày nay; làng Trẹo, kẻ Trọc thành Triệu Phú thôn Triệu Phú xã Hy Cương ngày nay).

Đi sâu tìm hiểu ở đây còn thấy được di chỉ khảo cổ Gò De nổi tiếng. Đó là nơi duy nhất tìm được một chiếc hộp bằng đồng bên trong đựng những chiếc vuốt đồng - (có khoảng vài chục cái), hiện được lưu giữ ở bảo tàng Hùng Vương trong khu di tích Đền Hùng. Vuốt giống như móng hổ được đúc bằng đồng. Đây chắc chắn là một vật mang tính chất quyền uy, tín ngưỡng của những tù trưởng được sử dụng khi hành lễ, mà theo Việt sử lược đã ghi: “Dùng ảo thuật áp phục các bộ lạc”...Tại đây còn tìm được ngôi mộ của thủ lĩnh “Lạc Tướng” thời Hùng. Nhiều hiện vật đặc trưng biểu hiện cho quyền uy như: Qua đồng, rìu đồng, mũi lao đồng được tìm thấy trong mộ.

Ở đây còn lưu truyền những câu truyện truyền thuyết Vua Hùng đi thuyền từ Việt Trì ngược sông Hồng theo ngòi Đọi vào Gia Ninh cùng quân lính luyện tập. Vua Hùng cho đào ngòi rộng ra để đi lại cho thuận tiện.

Gia Ninh chính là tên bộ lạc đầu tiên của các Vua Hùng, đất phát tích thời dựng nước. Mảnh đất đó nằm ngay trên địa bàn Lâm Thao xưa, mà Thanh Đình ngày nay là trung tâm.

Với những đồi gò liên tiếp, đồng chiêm trũng bao quanh, có ngòi Đọi chạy ra sông Hồng đi lại thuận tiện, khi tiến có thể mở rộng ra Việt Trì,ngã ba sông, khi rút lui có thể trở về bố phòng bảo toàn lực lượng. Chả thế mà thế kỷ XIX, nghĩa quân bố Giáp đã rút lui từ thành Sơn Tây về đây lập căn cứ chống giặc; thực dân Pháp đã phải dùng tới 6000 quân do tướng Gia Me chỉ huy, chia làm 3 mũi tấn công từ ngày 22 đến ngày 27/10/1885 mới vào được Thanh Đình. Chính thực dân Pháp phải thú nhận: “Đối phương đã dùng các thuyền nhỏ lướt qua những mắt lưới quá trùng của quân ta”.

Đất Thanh Đình quả thật là nơi “ địa linh” yếu của đất dựng nghiệp lớn. Các Vua Hùng khi xưa, có thời đã từng định đô ở đó.

Mùa xuân trở lại Thanh Đình - Gia Ninh xưa như còn thấy được phảng phất đâu đây bóng dáng một thời dựng nước của dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: www.phutho.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *