Điểm Du lịch
Lễ hội Tháp Bà
Hàng năm, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Ba (Âm lịch), tại Tháp Bà đã diễn ra lễ hội. Lễ hội Tháp Bà – Nha Trang là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất của hai dân tộc Việt – Chăm ở Khánh Hòa và khu vực Nam - Trung Bộ. Lễ hội đã thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chăm, người Hoa cùng du khách trong và ngoài nước đến dự.
- Mở đầu là Lễ mộc dục (Lễ tắm tượng), được tiến hành vào giờ Ngọ (12 giờ trưa), ngày 20 tháng Ba.
- Lễ tế gia quan: Sau khi dùng nước hương hoa lau sạch tượng Bà, khoác lên Bà xiêm y và mũ miện mới được may theo sắc phong của triều đình. Mặc xong là tuần tế, gọi là tế gia quan.
- Lễ cầu quốc thái dân an, tiến hành vào ngày 22 tháng Ba, sau đó là múa lân khai hội. Các đoàn hành hương vào dâng hương hoa cúng Bà cho đến tối. Khoảng từ 23 – 24 giờ có Lễ tế sanh (lễ cúng tạ ân đức Thánh Mẫu) tại Tháp chính. Ngay sau lễ tế sanh là điệu múa bóng truyền thống dâng Bà.
- Lễ Chánh tế, từ 4 giờ sáng ngày 23 tháng Ba. Nội dung chính là thỉnh mời Bà và đón rước thần linh về dự hội, hưởng lễ vật dâng cúng - lễ vật cúng chay. Đây là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội. Lễ tế có đọc văn tế, có nhạc lễ. Sau phần lễ là phần hội: múa bóng, diễn văn nghệ, hát bội, hát tuồng cúng Bà và cho người dân đi lễ hội xem. Lễ hội kéo dài đến ngày 24.
Lễ hội Tháp Bà Nha Trang hàng năm được tổ chức trọng thể. Tính tôn nghiêm, thành kính của phần lễ, tính sôi động, hào hứng của phần hội đã tạo nên một lễ hội truyền thống đặc trưng của Khánh Hòa. Lễ hội là một biểu hiện về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích, được thể hiện thông qua các nghi lễ truyền thống và các hoạt động văn hóa.
Lễ hội Tháp Bà đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia vào năm 2001.
(Nguồn: khanhhoa.edu.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch