Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Chạm khắc gỗ Đông Giao

Đông Giao thời phong kiến là một xã thuộc tổng Mao Điền, từ năm 1948 đến nay là một làng thuộc xã Luơng Điền, huyện Cẩm Giàng.
Vẩy mũi chàng nên rồng nên phượng

Thợ Đông Giao mẫu dạng đâu hơn.

(Hải Dương phong vật khúc khảo thích)

Nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao ra đời khoảng thế kỷ XVII, đến thế kỷ XIX, những thợ giỏi được triệu vào Huế để phục vụ trong cung đình. Thợ Đông Giao chuyên làm các đồ thờ và trang trí nội thất như ngai, ỷ, cửa võng, hương án, tủ, tạng, tràng kỷ, tượng gỗ....Thợ ở đây chỉ làm phần mộc, việc sơn, khảm, thiếp thì lại do làng nghề khác đảm nhiệm. Xưa thợ Đông Giao ít khi làm tại nhà vì không có vốn. Thông lệ hàng năm, sau ngày hội làng vào hạ tuần tháng giêng, từng nhóm thợ rời làng đi tìm việc. Đồ thờ và nội thất đều là mặt hàng kỹ nghệ vì vậy vật liệu phải chọn là gỗ tốt, bền, chắc, ít cong vênh. Qua hai cuộc chiến tranh nghề chạm khắc ở Đông Giao có mai một đến năm 1983, nghề được phục hồi và phát triển, có tới 97% số hộ tham gia nghề mộc với trên 400 thợ nam, nữ, già, trẻ. Nét mới ở đây là, ngày xưa phụ nữ đi theo các hiệp thợ để nấu cơm và làm việc nhẹ thì ngày nay, họ tham gia hầu hết các công đoạn của nghề chạm. Xưa mọi việc phụ thuộc vào thợ cả, nay đã hình thành những ông chủ đặt và thu mua hàng xuất khẩu. Hàng năm thợ Đông Giao không chỉ sản xuất hàng tại quê mà có hàng trăm thợ đi làm ở các trung tâm sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ tại các doanh nghiệp ở các thành phố lớn cũng như các làng nghề. Sản phẩm của Đông Giao đã có mặt ở hầu khắp các làng xã và thành phố trong nước trở thành dấu ấn văn hoá và là một mặt hàng xuất khẩu sang nhiều nước, được khách hàng ưa chuộng.

(Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam)

 

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *