Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Chiếu cói Nga Sơn
Nói đến Thanh Hoá, không ai là không biết chiếu cói Nga Sơn, một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất ven biển này, vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau,... Chiếc chiếu nổi tiếng đã được lưu truyền qua bao đời, bao thế hệ trên khắp mọi miền của đất nước. Nó nổi tiếng đến mức đã đi vào câu ca dao, tục ngữ của người Việt Nam:
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn - niềm kiêu hãnh của vùng quê này.
Cói Nga Sơn nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền.
Theo lời các cụ kể lại, ngày xưa, chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn (Ninh Bình) là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Trải qua hơn 150 năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, người dân Nga Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói, nhiều sản phẩm từ cói đã được đôi bàn tay tài hoa, khối óc giàu tính sáng tạo của những người thợ đã "nâng đời" trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét hoạ tiết, văn hoa khác nhau dành cho xuất khẩu. Những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí,... đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhưng không phải đến tận bây giờ, cây cói mới trở thành thế mạnh của kinh tế Nga Sơn mà ngay từ những năm 1965, những chiếc chiếu đậu, chiếu hoa, cùng các mặt hàng từ cói đã xuôi ngược khắp các nẻo đường đất nước từ những làng quê lên thành phố, từ những ngõ nhỏ lắt léo đến những đường phố lớn, từ bắc vào nam,... xa hơn nữa là thị trường các nước trên thế giới, chủ yếu là thị trường Ðông Âu. Theo ông Hoàng Ðình Long - người xã Nga Liên: "Lúc cao điểm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ðông Âu đạt trên 30 tỷ đồng, đưa Nga Sơn đã trở thành huyện có kim ngạch xuất khẩu cói lớn nhất cả nước".
Vượt qua khó khăn
Nổi tiếng như vậy, nhưng do không lường hết được những khó khăn về thị trường, nên khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, những năm đầu của thập niên 90 (thế kỷ XX), chiếu cói Nga Sơn mất dần thị trường, dân vùng trồng cói lao đao trong cơn bĩ cực. Ðứng trước tình hình đó, chính quyền và nhân dân trong huyện đã cùng nhau tìm hướng đi mới để phát triển nghề cói ở đây.
Theo đó, chính quyền sở tại đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế thúc đẩy nghề dệt cói phát triển, còn nhân dân trong huyện dựa vào những định hướng, nghị quyết đó để tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường. Bước đầu, toàn huyện Nga Sơn tập trung vào thị trường trong nước và từng bước tiếp cận thị trường Trung Quốc, tiếp đó là Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Bắc Âu. Giờ đây, Nga Sơn không chỉ có chiếu cói mà còn có hàng chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau. Trong đó, việc khai thác thị trường Trung Quốc đã mở ra hướng xuất khẩu chiếu cói mới. Bởi Trung Quốc là thị trường có những nhu cầu lớn về cói xe (cói sơ chế), hiện đang chiếm trên 50% tổng sản lượng chiếu cói hàng năm tại Nga Sơn. Mỗi tuần có hơn mười tấn hàng được đưa xuống tàu biển xuất sang Trung Quốc. Nhờ tìm được đầu ra, đến nay, toàn huyện đã có trên 9.600 cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, trong đó chủ yếu là các mặt hàng về cói.
(Nguồn: thanhhoa.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch