Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng đan lưới Thơm Rơm

Làng đan lưới nằm ở ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt – TP Cần Thơ. Do làng nghề nằm kề cây cầu trên QL 91 (đường đi TP Long Xuyên – An Giang) có cái tên rất dễ thương: “Thơm Rơm” nên người miệt sông Hậu quen gọi là “Làng đan lưới Thơm Rơm”. Theo ông Hồ Khắc Thanh, chủ một cơ sở đan lưới, thì hầu hết dân làng nghề đều có quê gốc Thừa Thiên – Huế, chọn đây là đất lành để lập nghiệp đã gần 30 năm.

Mùa đan lưới bắt đầu từ tháng 3 ÂL (chủ động nguồn hàng cho mùa nước nổi) đến tháng 11 ÂL (khi nước đã ráo chân ruộng và tết cận kề). Thoạt đầu, lưới Thơm Rơm làm ra bán cho bà con địa phương và lân cận ở Ô Môn, Cờ đỏ … nhưng trên 15 năm qua đã có mặt ở nhiều chợ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhận xét của các bạn hàng: “Lưới Thơm Rơm đan hẹp, độ bền cao, dễ giăng bắt cá, giá lại thấp hơn lưới những nơi khác từ 10%-15% nên phù hợp với túi tiền của người nghèo. Hiện nay cả “làng” có trên 20 cơ sở đan lưới, thu hút gần 400 lao động. Nghề đan lưới chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ.

Nhiều em học sinh nghèo tranh thủ mùa hè rảnh rỗi đến làm thêm việc luồn lưới, kẹp chì cũng có thu nhập 10.000đ – 15.000đ/ngày – vậy là yên tâm khoản chi sách vở cho năm học mới. Với người làm nghề thành thạo thì luồn lưới, kẹp chì, bắt tiền… có thể kiếm được 25.000 – 30.000đ/ngày. Ở nông thôn, có thêm khoản thu nhập chừng đó là quí rồi. Nhờ nghề đan lưới, nhiều hộ thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Hàng làm ra có nơi tiêu thụ đã giúp làng nghề có điều kiện cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã. Anh Phan Thanh Dũng, một thợ cắn chì, từ suy nghĩ: “Cắn chì bằng miệng chắc chắn gây nguy cơ cao ngộ độc chì! Lẽ nào cam chịu “sinh nghề tử nghiệp?” – đã dùng phế liệu tự chế ra máy kẹp chì gọn nhẹ, công suất “kẹp máy” tăng gấp 4-5 lần “kẹp miệng”.

Với giá 500.000đ/máy, anh đã bán được hàng trăm máy kẹp chì cho các cơ sở đan lưới ở TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp. Ông Huỳnh Văn Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng cho biết: “Để hỗ trợ dân làng nghề, địa phương chỉ thu thuế của các cơ sở trong mùa sản xuất cao điểm, “ăn hàng” nhất là 3 tháng mùa nước nổi. Chúng tôi đang xúc tiến việc thành lập HTX Đan lưới Thơm Rơm để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, tạo ra thêm hàng trăm việc làm mới cho người lao động địa phương".

Vietbao (Làng nghề Việt)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *