Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng dệt thổ cẩm Châu Phong
An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng chung sống trên một vùng đất đa dạng sinh thái, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, nhiều sông rạch và cận biên giới Campuchia. Tất cả những yếu tố đó làm nên đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của miền đất biên giới tây nam.
Dân tộc Chăm ở An Giang có trên 12 ngàn người, sống tập trung thành ấp (puk) hay liên ấp, xen kẽ trong những xã (pơlây) của người Kinh. Địa bàn dân cư ấy trải dài từ khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia đến ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Phú Tân, nằm bên kia sông ngang thị xã Châu Đốc.
“Cộng đồng người Chăm ấp Phũm Soài không biết có mặt từ bao giờ. Tại đây có một khu nghĩa địa cổ có bia khắc từ năm 1700, nên có thể tin rằng người Chăm đã định cư ở đây từ cuối thế kỷ XVII và cũng từ đó đã hình thành làng nghề dệt thổ cẩm cho đến tận bây giờ", anh Hồ Saich, Chủ nhiệm Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng Châu Phong nói.
Anh Hồ Saich cho biết, tộc người Chăm thường sống thành cụm ven sông. Đàn ông đánh bắt thủy sản, còn phụ nữ Chăm do tục cấm cung nên thường ở nhà dệt vải. Sản phẩm của phụ nữ Chăm được dệt nên bởi chất liệu tơ, sợi. Điểm nổi bật của sản phẩm dệt Chăm là nhuộm bằng chất liệu có từ thiên nhiên như mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa).
Anh cũng cho biết, từ đầu năm nay, Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng Châu Phong (Châu Phong Tourism Information Centre), thuộc dự án Du lịch cộng đồng (Home stay) Châu Phong, bắt đầu hoạt động với sự hỗ trợ của chính quyền huyện Phú Tân, Sở Du lịch tỉnh An Giang và một số nhà tài trợ, mạnh thường quân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm nơi đây.
Hiện xã Châu Phong có 456 hộ sống dọc theo hai bờ kênh Vĩnh An, trong đó riêng ấp Phũm Soài với 296 hộ dân thì có 161 hộ sinh sống bằng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan. Các sản phẩm gồm: khăn choàng tắm, sà rông, vải thổ cẩm, các hàng lưu niệm như túi xách, móc khóa…
Cơ sở dệt thổ cẩm của hợp tác xã Châu Giang đặt tại nhà phó chủ nhiệm Mohamad, anh cũng đang giảng dạy bộ môn Văn hoá dân gian tại trường Đại học An Giang. Trong một gian nhà sàn, có nhiều khung dệt thủ công khá lạ mắt, Sa-ry Giác và Ma-Ry là hai cô gái trẻ đang đứng bên khung dệt, thoăn thoắt nối sợi một cách thuần thục, nhịp nhàng theo tiếng lách cách vui tai, đều đặn của các khung gỗ chạm vào nhau. Những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn xinh đẹp đã hình thành từ nơi đây bởi đôi bàn tay khéo léo và cần cù của các cô gái Chăm đất Châu Phong.
Anh Mohamad giải thích, phải bố trí nhiều go (khung dệt gỗ) nếu như muốn tạo nhiều màu sắc hoa văn. Mỗi go như là môt đường nét riêng biệt. Go càng nhiều thì nghệ nhân đạp càng vất vả, hệ thống điều khiển dệt thủ công rất phức tạp, nó là sự kết nối của nhiều công đoạn. Hiện tại khung dệt ở hợp tác xã Châu Giang có tối đa 18 go. Thợ giỏi mỗi ngày chỉ có thể dệt được một mét thổ cẩm.
“Đã có nhiều đoàn du khách, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, các doanh nhân đến hợp tác xã dệt Phũm Soài. Họ rất thích thú tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng Châu Phong cũng hướng dẫn du khách tham quan thánh đường Hồi giáo, đình cổ Châu Phong, những ngôi nhà Chăm cổ... và tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cùng bà con người Chăm”, Mohamad nói.
Mohamad giới thiệu với chúng tôi chị Mahriêm, một nghệ nhân xuất sắc của hợp tác xã Châu Giang. Hồi tháng 6 năm 2007, Mahriêm đã một mình mang khung dệt của Châu Phong sang Mỹ biễu diễn dệt thổ cẩm trong lễ hội dân gian Smithsonian. Mahriêm cho biết, cô học nghề từ lúc 12 tuổi, năm nay 32 tuổi, đã có 20 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
Hàng thổ cẩm của phụ nữ Chăm ở Châu Phong từng có một thời rất thịnh vượng; nhưng do những biến động của thị trường, nghề dệt thổ cẩm vùng này đã có lúc tưởng chừng như mai một. Tuy không ai nói ra, nhưng qua câu chuyện với các nghệ nhân làng dệt Châu Phong, chúng tôi cảm nhận được nỗi niềm trăn trở của họ đối với mong muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống đậm nét văn hóa lâu đời của phụ nữ Chăm.
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch