Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng dệt thổ cẩm Mai Châu

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của các dân tộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) tạo nên bản sắc văn hoá riêng hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, năm 2002, huyện Mai Châu được dự án xây dựng cơ sở làng nghề đầu tư nhằm tạo cơ sở ban đầu cho phát triển du lịch làng nghề. Dự án đã xây dựng được cổng trào lớn tại ngã 3 Tòng Đậu, 4 cổng chào nhỏ, 4 bãi thu gom rác thải, trên 6km đường... tại 4 xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Tòng Đậu và thị trấn, với kinh phí 5.774 triệu đồng.

Qua đó bộ mặt làng nghề có nhiều thay đổi. Trước đây, để dệt một tấm thổ cẩm, đồng bào phải mất 7 tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Những năm 90 của thế kỷ trước, đến với bản Lác, bản Nhót, Pom Coọng... du khách vẫn nghe lách cách tiếng thoi đưa dệt vải.

Hiện nay, đồng bào hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa. Những tấm vải thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Mai Châu lại được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Đây chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được sự tinh tuý như vốn có. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng du khách không thích. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bao tiêu sản phẩm chưa có, chưa tổ chức được thành nhóm, dân tự dệt, tự tiêu thụ nên sản phẩm làm ra manh mún, chưa tạo được sự liên kết trong hoạt động sản suất kinh doanh. Chị Hà Thị Út ở Bản Lác cho biết: một ngày dệt liên tục được 1 sải (dài 1,6m, rộng 0,7m) bán được 20.000 nghìn đồng, trong đó tiền mua sợi hết 8.000 nghìn đồng. Nhưng không phải dệt ra là bán được ngay. Hết mùa du lịch bản Văn, Pom Coọng, người dân dường như hoàn toàn trở lại với công việc chính của mình là làm ruộng. Khi đó, những khung cửi được xếp vào một góc, nếu có thì cũng không thấy người dệt. Cả bản có 15/64 hộ đăng ký hoạt động du lịch, con số này ở bản khác càng thấp hơn. Bản Lác là nơi tập trung khách du lịch tương đối lớn những cũng 20/109 hộ... Người dân nơi đây vẫn sống bằng nghề nông là chính, thu nhập từ du lịch chiếm từ 20 đến 30% tổng thu nhập, có gia đình ở bản nhót phát triển được là nhờ chăn nuôi, trồng trọt.

4 bản làm du lịch chính ở Mai Châu hiện nay gồm bản Lác, Nhót, Văn, Pom Coọng có gần 300 khung cửi nhưng hoạt động không thường xuyên, có gia đình bỏ hẳn. Để các làng nghề phát triển bền vững, năm 2004 tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trong đó tập trung qui hoạch một số ngành nghề như: chế biến lương thực; sản xuất rượu cần; sản xuất chế biến chè... xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; mở rộng sản xuất mây tre đan; khai thác vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát tại tỉnh Hoà Bình về nội dung qui hoạch phát triển nghề truyền thống trong đó 2 sản phẩm chính mang bản sắc vùng văn hoá tây bắc là dệt thổ cẩm và rượu cầt. Sau khi khảo sát tại Mai Châu, tổ chức JICA sẽ quyết định đầu tư cho bà con trồng dâu và trồng bông làm vải thổ cẩm và vải tơ tằm. Trên thực tế, người dân mong muốn hoạt động du lịch để dệt thổ cẩm trở thành làng nghề, nhưng trước hết phải tôn tạo bản sắc văn hoá dân tộc, đầu tư vào chất lượng vải bằng sợi bông, sợi tơ tằm do chính người dân tự trồng, tìm cơ sở nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài, duy trì và đào tạo nghề dệt thổ cẩm, không để người dân làm tự phát. Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường, giải trí văn hoá kết hợp mở các chuyến du lịch trọn gói để du khách lưu lại lâu hơn, góp phần tạo nên một khu du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Như vậy, dệt thổ cẩm Mai Châu mới trở thành làng nghề gắn với các hoạt động du lịch sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương.

(Nguồn: langngheviet.net)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *