Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng đóng ghe Long Bình
Là địa phương nằm trong khu vực sông nước miền Tây Nam bộ, có thể nói ở đâu trên địa bàn Trà Vinh cũng có trại đóng ghe và thợ đóng ghe. Tuy nhiên, tập trung đông đảo nhiều chủ trại lớn và đội ngũ thợ có tay nghề cao hình thành làng nghề mang tính phường hội thì chỉ duy nhất tại khu vực phía tả ngạn sông Long Bình (nay thuộc Phường Năm, thị xã Trà Vinh). Làng đóng ghe Long Bình có thể so sánh được với nhiều làng nghề cùng loại hình khắp các tỉnh trong khu vực., xét về các yếu tố truyền thống, qui mô, kỹ năng tay nghề và sự đa dạng, tính đặc trưng của sản phẩm. Theo các bậc trưởng thượng tại đây, nghề đóng ghe Long Bình xuất hiện khoảng thập niên 1920, khi dòng sông Long Bình được nạo vét lại, làng Long Đức (nay là thị xã Trà Vinh) bước đầu được đô thị hóa, qui tụ một số người có tay nghề đóng ghe khắp nơi trong tỉnh lần ra cư trú dọc bờ sông kiếm sống. Đầu tiên, họ làm những dịch vụ sửa chữa, vá dặm cho những ghe thương hồ tứ xứ lui tới chợ Trà Vinh mua bán. Dần dần, theo tốc độ phát triển của tỉnh lỵ Trà Vinh và đáp ứng nhu cầu của người dân sông nước, những người thợ ghe có vốn mở trại đứng ra mua gỗ, ván của cánh thợ rừng rồi đóng vài chiếc xuồng nhỏ, để sẵn trong trại mà bán lần. Cứ vậy, số lượng trại ghe và thợ đóng ghe tại Long Bình ngày một đông đúc thêm. Đến nay, giới trại ghe tại Long Bình đã trải qua bốn thế hệ nối nhau mà những người có công khai phá là các chú: Bảy Tân, Sáu Thế, Chín Tĩnh, Chín Tài… Thế hệ thứ hai là Năm Tài, Tám Lý, Sáu Chỉ, Ba Thảo… Đến thế hệ thứ ba là Ba Say, Út Vạn, Năm Dái… và những người đang nối tiếp cha ông phát triển làng nghề Long Bình hiện nay là Hai Tiền, Bảy Thoại… Điều đáng nói là đa phần các chủ trại ghe tại Long Bình hiện nay đều làm nghề theo kiểu cha truyền con nối, số khác là những người xuất thân từ thợ giỏi qua quá trình tích lũy hoặc gặp cơ may nào đó tạo được vốn liếng mà mở trại. Chưa có ai thuộc loại nhà giàu nhưng tay ngang nhảy vào mà kinh doanh thành công.
Một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của làng nghề đóng ghe Long Bình diễn ra vào thập niên 1970 - 1980. Chúng ta còn nhớ, vào những năm 1977, 1978, 1979, nghề ruộng rẫy ở Trà Vinh và các tỉnh Nam bộ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng do hậu quả của việc tập thể hóa hàng loạt một cách duy ý chí, cộng thêm trận lũ lụt thảm hại năm 1978 và nạn rầy nâu hoành hành năm 1979. Đa số những người nông dân đang sống ngay trên vựa lúa bỗng lâm vào nguy cơ đói khát nghiêm trọng. Nhiều người đành gạt nước mắt ly hương, kéo nhau vào Đồng Tháp, xuống Cà Mau kiếm cá phơi khô, làm mắm đổi gạo qua ngày. Nhu cầu về phương tiện thủy loại nhỏ tăng đột biến làm cho số xuồng ghe đóng sẵn nhanh chóng bán hết. Lúc này, các loại gỗ trên rừng vô cùng khan hiếm, các trại ghe Long Bình tỏ ra nhanh nhạy khi xoay qua sử dụng các loại nguyên liệu tại chỗ như sao, dầu, còng, sầu đâu… vốn mọc khá nhiều trên các con giồng chung quanh thị xã. Ghe xuồng loại này chỉ có thể sử dụng qua một mùa nước nên được bà con gọi vui là ghe “năm quăng” nhưng được cái giá thành rất thấp, phù hợp với khả năng của những người chạy đói lúc đó. Cái khó của người này có khi lại là cơ hội của người khác, hàng chục trại ghe tại Long Bình được mở rộng, qui tụ hàng trăm thợ, hàng ngàn lao động đơn giản khác như bốc vác, vận chuyển… hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm, tập trung vào sản xuất các loại ghe xuồng nhỏ, có tải trọng vài ba chục giạ lúa. Nạn đói rồi cũng qua đi nhưng liền lúc đó là giai đoạn “lên ngôi” trên thị trường của nhiều loại thủy hải sản bước đầu vươn sang các thị trường châu Âu, làng ghe Long Bình lại nắm bắt cơ hội, chuyển từ ghe chạy đói sang ghe câu, ghe chài, ghe đặt lờ, đặt lọp…
Sản phẩm mang tính thế mạnh truyền thống của làng đóng ghe Long Bình chính là tam bản các loại. Do nguồn gốc ban đầu làng ghe này qui tụ giới thợ ghe giỏi từ tứ xứ gom về, mỗi người mang theo vài bí quyết riêng của vùng đất mà mình cư trú. Thực tế sông nước Trà Vinh rất đa dạng, vùng ruột Tân An, Ngã Hậu khác xa với các xã ven sông lớn như Đức Mỹ, Long Đức hay Ninh Thới, An Phú Tân… và càng không giống với vùng cửa biển Định An, Long Vĩnh, Mỹ Long, Hiệp Thạnh… Chính sự nhanh nhạy, sáng tạo theo yêu cầu của thực tế cuộc sống trên cơ sở kinh nghiệm, bí quyết truyền thống của các thế hệ đi trước mà làng đóng ghe Long Bình cải tiến chiếc tam bản truyền thống phù hợp với đặc tính sông nước từng vùng. Người chủ trại ghe giỏi chỉ cần biết khách hàng của mình cư trú, hoạt động tại khu vực sông nước nào mà có những gia giảm vừa tiết kiệm vừa bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người sử dụng. Chiếc tam bản về vùng ruột cần nở vai, nở lái để tuy “nhỏ con” mà “lì chở”. Trong khi chiếc tam bản về vùng thường có gió to sóng cả thì phải nở lái nhưng thon vai, cất mũi tuy “yếu chở” nhưng lại nhảy sóng tài tình.
Chiếc tam bản từ làng đóng ghe Long Bình nhờ đa dạng như vậy nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các huyện trong tỉnh và lan sang các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trang… Một thời gian dài, chiếc tàu đò rời bến cõng trên lưng hoặc kéo theo dưới nước dọc dài hàng chục chiếc tam bản tỏa đi tứ xứ theo nhu cầu của người dân miền sông nước là hình ảnh thân quen thường thấy nhiều lần trong ngày, suốt từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác trên sông Long Bình.
Từ cuối thập niên 1980 trở đi, nghề đi biển ở Trà Vinh phát triển mạnh, đặc biệt là những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sau cơn bão số Năm, Nhà nước đầu tư nguồn vốn ưu đãi nhằm xây dựng đội tàu cong suất lớn hướng ra biển khơi. Một số thợ giỏi ở làng đóng ghe Long Bình lặn lội ra Bà Rịa - Vũng Tàu, Phước Hải, Bình Thuận… học nghề đóng ghe biển. Những trại ghe Út Vạn, Ba Say, Hai Tiền, Bảy Thoại… chiếm lĩnh công nghệ mới trên cơ sở kế thừa tốt vốn kinh nghiệm truyền thống nên dần dần trở nên nổi tiếng khắp các tỉnh ven biển Nam bộ. Ghe biển xa bờ xuất phát từ các trại này góp phần quan trọng vào việc mở rộng, phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ của Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Dạo đó, “chiếc lên nề, chiếc hạ thủy” làm nên không khí lao động sôi nổi, khẩn trương và nhịp điệu sống vui tươi của làng đóng ghe Long Bình.
Tuy không hề đặt chân ra biển hay lên rừng nhưng nghề đóng ghe lại tùy thuộc rất lớn vào sự thăng trầm của giới “phá sơn lâm” (tạo ra nguồn gỗ nguyên liệu) và dân “đâm hà bá” (tiêu thụ ghe thành phẩm). Do vậy, niềm tin vào các thế lực siêu nhiêu huyền bí của cư dân làng đóng ghe Long Bình là rất thành tín. Ngoài sự thành kính ngưỡng vọng vào Tổ nghiệp (lệ cúng vào ngày 12/12 âm lịch hàng năm), tín ngưỡng thờ Đức Ông Nam Hải (lệ cúng vào ngày 15 - 16/2 âm lịch hàng năm) thu hút đông đảo người dân tham gia. Ngôi miễu thờ Đức Ông tại Long Bình, cách biển hơn 50 cây số theo đường chim bay, là cơ sở tín ngưỡng thờ Cá voi nằm sâu trong đất liền nhất trên địa bàn Trà Vinh.
Như chiếc hàn thử biểu có độ nhạy cao đối với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, làng đóng ghe Long Bình đã trải qua những giai đoạn có thể xem là hoàng kim nhưng những năm gần đây lại rơi vào tình trạng khó khăn khi các đội tàu đánh bắt xa bờ làm ăn không hiệu quả. Hy vọng rằng những khó khăn này chỉ là tạm thời và làng đóng ghe truyền thống bên dòng sông Long Bình lại tiếp tục những chặng đường phát triển mới vừa giải quyết việc làm cho cư dân tại chỗ vừa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà vừa bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị đặc thù của một tỉnh trong vùng sông nước Cửu Long.
(Nguồn: travinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch