Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng đúc đồng Ngũ Xã
Nói đến Ngũ Xã là nói tới tài năng của thợ đúc đồng Việt Nam, mà những sản phẩm nổi tiếng của họ - ra đời trong suốt gần 500 năm nay đã trở thành những tác phẩm lớn, tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc. Một trong những pho tượng nói lên trí tuệ, tài năng, bản sắc bí quyết và sự lao động cần mẫn, giàu sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công đúc đồng Ngũ Xã là tượng Di Đà ở chùa Trần Quang ngay trên đất làng này. Tính cả tượng và tòa sen làm đế, pho tượng Di Đà cao 5m50, nặng 12 tấn 300 kg. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế trên mọi lĩnh phương diện, cả kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của ta. Tượng được bố cục hết sức hài hòa, hợp lý. Từ thân hình, dáng ngồi đến nếp áo đều toát lên sự trầm lắng sâu xa, nhưng lại sống động như người thực - thể hiện quan niệm nhân sinh truyền thống đạo Phật Việt Nam. Các sản phẩm đồ đồng Ngũ Xã - những sáng tạo tài hoa của các bậc tiền nhân nơi đây quả thực không chỉ có tượng Phật Di Đà, mà còn hàng loạt tác phẩm đã rất nổi tiếng được coi là các kiệt tác của Việt Nam.
Bí quyết kỹ thuật:
Trình độ đúc đồng của thợ Ngũ Xã đã đạt tới đỉnh cao. Thành công của người Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay đã khẳng định tài năng kỳ lạ của họ. Bên cạnh sự thông minh sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo và đức tính cẩn trọng, người thợ thủ công còn có bí quyết nghề nghiệp và kinh nghiệm từ lâu đời. Bí quyết đúc đồng của Ngũ Xã, theo tục truyền là ở các khâu làm khuôn, nấu đồng, rót đồng thành sản phẩm.Từ ý đồ ban đầu, theo đơn đặt hàng, các nghệ nhân phải tiến hành hai công việc: tạo mẫu và làm khuôn. Mẫu thường đắp bằng sáp hay nến (praphin). Đối với thợ Ngũ Xã, việc khó nhất là làm khuôn, làm khuôn phải căn cứ vào tượng mẫu, khuôn có nhiều loại nhưng chất liệu thường dùng hơn cả là đất sét, bùn ao, giấy bản, vôi, trấu...Người ta dùng đất bùn ao phơi sấy khô, rây mịn xong trộn với tro trấu, giấy bản đã giã nhỏ phơi sấy khô để làm khuôn luyện đồng tinh chất. Khuôn tạo hình thì làm bằng đất sét trắng.
Nghệ nhân bao giờ cũng nung khuôn trước khi đúc. Việc điều chỉnh nhiệt độ khi nung khuôn là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải tinh vi, cẩn thận và giàu kinh nghiệm. Nung sao cho các đường vân trên khuôn không bị xây xước, để khuôn vừa chín để không bị rạn nứt, khi gắn các mảng khuôn không bị gờ gợn ở chỗ giáp ranh. Khi đúc, các nghệ nhân đặc biệt chú ý và tập trung mọi cố gắng vào 2 việc nấu đồng và rót đồng vào khuôn. Nấu đồng nguyên chất (đồng đô) và pha các kim loại khác theo tỷ lệ rất nghiêm ngặt, để tạo đồng hộp kim. Họ thường cân đo lượng đồng bằng mắt, bằng tay (nghĩa là ước lượng một cách chính xác), không có máy móc hiện đại nào trợ giúp. Đây quả là những bí quyết kỹ thuật đặc sắc nhà nghề. Đối với chuông, cần cho thêm kim loại quý hiếm (vàng, bạc) vào hợp kim đồng. Nhưng sợ pha chế thêm vàng bạc bao giờ cũng để đúc thâm và vú chuông, nhằm tạo âm thanh trong và ấm khi đánh lên. Đồng nấu đồng thời một lúc, dù phải tập trung nhiều lò. Rót đồng vào khuôn cũng liên tục, không ngừng nghỉ. Có như vậy, sản phẩm đúc dù lớn đến mấy cũng không hề có vết chắp nối. Kỹ thuật đúc đồng Ngũ Xã từ lâu đã được đánh giá cao, đã làm cho chúng ta và khách quốc tế phải hết sức khâm phục. Người Ngũ Xã tự hào về nghề đúc đồng của mình, một nghề đã trở thành truyền thống quý báu của họ.
(Theo: dulichvietnam)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch