Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng gỗ mỹ nghệ Xuân Tâm

Không như những làng nghề khác có từ lâu đời, làng gỗ mỹ nghệ ở Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc,tỉnh Đồng Nai chỉ mới hình thành gần đây với những nghệ nhân hoàn toàn không phải xuất thân từ những làng mộc chuyên nghiệp hay được đào tạo bài bản mà họ là những nông dân khéo tay, tự mày mò tạo ra sản phẩm. 

 Kể về việc vào nghề của mình, ông Nguyễn Đại, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Đại Dương tâm sự: "Trước đây tôi đã từng đi làm rẫy, thấy những gốc cây thì gom về rồi cưa gọt thành những cái ghế, cái bàn. Dần dần thấy đẹp nên nảy sinh ý tưởng sản xuất để kinh doanh". Ông Đại bắt đầu bước vào nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ từ năm 1986 và cơ sở mộc mỹ nghệ của ông hiện nay được xem là kỳ cựu, có tiếng ở vùng này. Vừa tiếp chuyện với chúng tôi ông Đại vừa hướng dẫn thợ làm việc. Cơ sở của ông đang có 15 công nhân vừa làm vừa học nghề. Ông Đại nói: "Những người làm nghề này phải thực sự yêu thích nó và phải có con mắt thẩm mỹ mới được. Vì, cũng là gỗ nhưng không phải đưa về là làm được ngay. Có những gốc cây tôi phải ngắm đi ngắm lại nhiều lần các thế gốc mới có thể xử lý để có được kiểu dáng đẹp". Thật vậy, nhìn những bộ bàn ghế đã được trau chuốt hoàn tất bày biện ở cơ sở mộc Đại Dương trông rất bắt mắt. Có lẽ cũng từ đặc điểm lựa theo thế gốc cây nên những sản phẩm được tạo ra trông mộc mạc, tự nhiên và muôn hình vạn trạng.

Nếu như cơ sở mộc mỹ nghệ Đại Dương mạnh về sản phẩm bàn ghế thì cơ sở Minh Tiên lại tập trung nhiều về tạo tượng bằng gốc cây. Từ những gốc cây to nhỏ, ngoằn ngoèo, trơ trụi, các nghệ nhân đã "thổi hồn" cho chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Những tác phẩm nghệ thuật ở đây trông cũng thật ngộ nghĩnh, bởi chúng chủ yếu dựa vào thế tự nhiên của gốc, rễ cây để tạo ra nên chẳng có cái nào giống cái nào. Chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Đoàn Minh Tiên cho biết, sở dĩ làng nghề này còn phát triển được cũng do có tính đặc thù riêng không giống với nghề mộc thông thường hay nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ khối. "Thợ tạc tượng gỗ khối có thể tạo ra hàng trăm pho tượng giống nhau được, nhưng sản phẩm ở đây lại phụ thuộc vào hình thù của mỗi gốc, rễ cây và tự nó gần như đã là một tác phẩm" - anh Tiên nói. Mỗi sản phẩm ở cơ sở mộc của anh đều được thể hiện theo chủ đề riêng và được đặt tên nghe rất kêu như: "Tích 3 vua", "Bồ đề Đạt Ma", "Người da đỏ săn bò rừng", "Chú bé giữa rừng xanh"... Cũng chính vì biết khai thác các chủ đề đó mà sản phẩm tượng của cơ sở Minh Tiên được khách du lịch nước ngoài ưa thích. Anh Tiên cho biết, loại tượng nhỏ có giá từ 50- 70 ngàn đồng được bán chạy nhất, chủ yếu là khách nước ngoài mua về làm kỷ niệm.

Trên địa bàn xã Xuân Tâm hiện có đến hơn 20 cơ sở lớn nhỏ sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ và nơi đây còn có cả 1 tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh nghề này với 10 hộ tham gia. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở đây đã cung cấp cho nhiều cửa hàng trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh. Có những bộ bàn ghế có giá lên đến 70-80 triệu đồng. Nhiều cửa hàng đã coi địa danh Xuân Tâm là địa chỉ quen thuộc về mặt hàng gỗ mỹ nghệ làm bằng gốc cây.

Mấy năm về trước, nơi đây chỉ có vài cơ sở gỗ mỹ nghệ hoạt động, nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây thì hàng loạt cơ sở đã mọc lên bám dọc theo quốc lộ 1A. Theo nhiều chủ cơ sở nơi đây, thì làng nghề gỗ mỹ nghệ của Xuân Tâm đang trong thời kỳ phát triển mạnh. Tuy nhiên, với cương vị là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh gỗ mỹ nghệ ở đây, ông Đại cho biết: "UBND huyện Xuân Lộc mặc dù rất quan tâm đến việc phát triển làng nghề nhưng riêng về vốn, đến nay ngân hàng vẫn chưa xem ngành sản xuất mộc mỹ nghệ này như những ngành mộc khác để giải quyết vốn cho vay nên nhiều cơ sở không mở rộng sản xuất được".

(Nguồn: Theo Báo Đồng Nai)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *