Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng gốm Thổ Hà

Làng Gốm Thổ Hà: Có hai thứ khiến mọi người nhớ đến xã Vân Hà (huyện Việt Yên, Bắ Giang) nhiều nhất là nghề nấu rượu làng Vân và làng gốm Thổ Hà.

Vì cả hai thứ này đã nổi tiếng khắp vùng và là nghề duy trì cuộc sống của người dân. Một ngày đông se lạnh, tôi tìm về làng gốm. Qua bến đò Thổ Hà dừng chân bên hữu ngạn sông Cầu, nơi con đò nhỏ đưa qua đất Thổ Hà, tôi đã cảm thấy được vẻ đẹp của sông nước, mây trời nơi đây. Sông Cầu thật êm ả, hiền hòa. Theo bia "Thủy tạo đình miếu" dựng năm 1692 có ghi "... địa hình sơn thủy, Thổ Hà eo ở phía đông giống như hình con rồng quay lại chầu chốn Tổ. Ở phía tây tựa hình con hổ ngồi chầu về tôn miếu. Ở phía nam thì đỉnh non nguyệt ghi rõ trong sách trời..." Phải chăng địa thế ấy đã giúp cho Thổ Hà trở thành một làng nghề thịnh vượng bậc nhất thời bấy giờ?
Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Sản phẩm của làng nghề đã có thời nổi danh khắp thiên hạ. Từ lúc có nghề gốm đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm. Ðồ gốm Thổ Hà được nung ở nhiệt độ cao nên đã thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Nhờ có nghề làm gốm mà cuộc sống của người dân trước đây hơn hẳn những nơi khác. Người Thổ Hà vắt đất nhào nặn thành nhiều mặt hàng, từ đồ nặn các cỡ, có thể chứa 350 lít nước, đến chĩnh chõ, chum, vại... mà nhiều làng nghề huyện Quế Võ khi đồ xôi cho hội xuân, nhất định phải có chõ sành của Thổ Hà mới ưng ý. Vì thế mà gốm của làng nổi danh khắp thiên hạ và kéo theo hẳn làng Vọng Nguyệt cùng xã chỉ chuyên làm thuê, chở hàng thuê cho làng.

Nghề làm gốm Thổ Hà xuất hiện từ thế kỷ XIV. Với địa thế thuận lợi là làng ven sông, nơi đây nhanh chóng trở thành một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình chùa bề thế uy nghi.
Mất nghề, cả làng lao đao.

Trong suốt quá trình phát triển, gốm Thổ Hà luôn đi đầu trong việc sản xuất đồ gốm gia dụng. Hầu hết các gia đình ở đất Bắc đều có một hoặc hai sản phẩm của làng trong nhà.

Sau miền Bắc giải phóng, làng nghề chuyển thành hợp tác xã, rồi thành xí nghiệp gốm Thổ Hà. Sản phấm chủ đạo là gốm sành các loại: chum, vại, ống máng nước...theo dòng sông Cầu toả đi khắp đất nước. Thế nhưng bước sang nền kinh tế thị trường, nghề làm gốm ở đây không còn trụ vững, chỉ còn một vài gia đìnn duy trì sản xuất, bởi sản phẩm không có nơi tiêu thụ. Đến năm 1992, nhà kho, xưởng gốm được thanh lý, nghề gốm Thổ Hà thực sự mất hẳn sau gần 6 thế kỷ tồn tại và phát triển.

Nhưng đến đầu những năm 90, cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, gốm Thổ Hà rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra không bán được và mai một dần. Do thị hiếu, nhu cầu trên thị trường thay đổi mà những sản phẩm gia dụng không còn phù hợp. Sản phẩm làm ra cứ chất đầy sân, đầy nhà. Rồi không trụ được, cả xí nghiệp và hợp tác xã cứ tan rã dần. Và lò gốm ở đây ngừng đỏ lửa cho đến gần đây. Ông Nguyễn Bá Quyền, Trưởng thôn Thổ Hà ngậm ngùi nói: "Mất nghề đồng nghĩa với mất nghiệp. Từ lúc hình thành làng cho đến tận bây giờ, dân Thổ Hà không làm gì khác ngoài nghề gốm. Nay mất nghề cả làng lao đao. Vì cả làng không có lấy một tấc ruộng. Ðất ở thì khá chật hẹp bình quân mỗi nhà được hơn 50 m2. Mất nghề cũng đồng nghĩa với việc mất đi toàn bộ nguồn thu nhập. Sản phẩm làm ra không bán được, đành bỏ nghề để tìm kế sinh nhai...". Nói đến đây, ông Quyền buồn lắm, vừa vân vê điếu thuốc lào hút một hơi thật sâu để nén cái thở dài. Ông nói: "Hậu quả của việc mất nghề vẫn đeo đẳng người dân Thổ Hà đến ngày nay. Làng đã xoay đủ nghề nào là chạy chợ, làm miến dong, bánh đa nem... giật gấu vá vai vậy mà vẫn thiếu ăn...". Cả thôn có 3.248 khẩu thì có tới 70% là thiếu ăn. Cả làng đều trong tình trạng ăn đong".

Ng
he ông Quyền đưa ra những con số não nề như vậy, tôi thấy lòng se lại và xót xa, tiếc nuối cho một làng nghề. Quá khứ vàng son năm xưa không phủ đầy và che lấp được chuyện cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày của mỗi người dân làng nghề. Nói như các cụ trong làng thì "chum vại của làng đựng gạo thì được chứ đổi được gạo bây giờ thì khó lắm". Ði vòng quanh làng gốm, những dấu tích năm xưa vẫn còn đó. Cây đa, bến nước sân đình, ngôi chùa cổ... phần văn hóa vật chất vẫn còn lưu giữ được hoài niệm quá khứ, nhưng nó đang thiếu đi hơi thở của một thời hưng thịnh. Những ngõ dài hun hút hai bên tường còn đầy mảnh gốm cũ ghép lại. Trong cái môi trường chật hẹp ngột ngạt đến khó thở vì những phên bánh giăng nghẽn lối đi, cộng với chất thải từ chăn nuôi, người dân vẫn nuối tiếc cái không khí "trên bến dưới thuyền" ngày nào. Ðất chật, người đông, nghề mất, khiến cuộc sống của người dân làng gốm Thổ Hà trở nên vất vưởng. Khi tôi hỏi nghề gốm có phục chế được không thì ông Quyền như sực tỉnh cơn mê. Ông cho biết, hai năm qua, cả làng có ông Cáp Trọng Tuất đang tiến hành khôi phục lại nghề. Ðiều mừng hơn là mới đây, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội về làng xin được phục chế nghề truyền thống. Nhiều đoàn khách Nhật Bản đã về thăm quan và họ rất thích nét cổ trong gốm Thổ Hà.

Giữa những lò than rực lửa chuyên tráng bánh đa nem, làm mỳ gạo của làng Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, chúng tôi bất ngờ gặp một lò gốm chứa đầy sản phẩm đang nhả khói, hình ảnh mà chỉ cách đây hơn chục năm về trước mới thấy. Đó là lò gốm của một cựu chiến binh-ông Cáp Trọng Tuất, một người đã từng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Thổ Hà những năm 1957-1960.
Vừa vào tới sân nhà, tôi thấy ngỡ ngàng bởi có nhiều gốm mộc để đầy sân. Ông Tuất đang say sưa bên bàn xoay. Thấy khách đến nhà, ông vừa rửa tay, vừa tranh thủ thông báo luôn: "Cả làng đã tập trung được về đây gần chục tay nghề cự phách. Lúc đầu, làm cho đỡ nhớ nghề là chính. Ai dè vừa rồi Trường đại học Mỹ thuật về xin phục chế lại làng gốm. Có được duyên cớ này cũng từ những sản phẩm cổ của làng mà ra. Họ đến thăm đình và chùa của làng thấy những hiện vật như lư hương, bát hương cổ của làng có từ đời Lý mà hoa văn cũng rất đẹp. Họ rất thích. Sau khi xem xét kỹ, các cán bộ của Trường đã đưa ra lời đề nghị được khôi phục lại làng gốm".

“Để thất truyền nghề gốm là có lỗi với cha ông'. Đó là lời của ông Tuất. Và ý tưởng khôi phục lại nghề gốm của ông đã được những người bạn 'già' góp tiền lương hưu cùng làm. Rồi lò gốm cũng được xây xong, ông vận động những người biết nghề còn lại trong làng tham gia sản xuất. Tỉêu chí họ đề ra là tiếp tục làm các sản phẩm gốm sành truyền thống trong sự cách tân đảm bảo chất lượng cao; từng bước quảng bá giới thiệu sản phẩm trên thị trường trước khi sản xuất gốm mỹ nghệ tráng men. Lượt sản phẩm chủ đạo đầu tiên ra lò gồm: bát hương tạo hình cánh noa sen, tiểu quách có mái che, bộ trang trí trụ cổng có gắn đèn, be nậm rượu và đôn, chậu cảnh các loại... Đặc biệt, một số loại be nậm rượu đuợc phục chế từ nguyên mẫu be rượu cổ đuợc khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Dịnh... về đặt mua với giá khá cao. Ông Tuất cho biết, bước đầu trung bìnn một lò cũng cho thu lãi từ 1,2- 1,5 triệu đồng. Đây quả là một sự khởi đầu hứa hẹn nhiều thành công.
Gốm của Thổ Hà để nghìn năm không bị mất màu và tự chảy ra men do kỹ thuật nung tốt. Ông Tuất vào buồng bê mấy bát hương giả cổ vừa cho ra lò. Ông nói: "Bước đầu làm ra bán được. Tất nhiên đây mới là bước thử nghiệm, nhưng có một điều tui khẳng định chắc chắn rằng, nếu phục chế được trên 20 mẫu đồ thờ theo thời Lý, Trần thì chắc chắn làng gốm sẽ chuyển sang một giai đoạn khác". Ông nói thêm như để chứng minh: "Lúc đầu làm ra, tôi cũng không tin lắm. Sau đó một thời gian, có mấy vị khách Nhật Bản đến tham quan cũng đưa ra nhận xét là "gốm ở đây hơn nơi khác là không phải dùng men. Nay lại có thêm nhiều mẫu giả cổ có hoa văn khác lạ...". Tôi làm được vài mẫu, bước đầu bán được. Nhưng do bỏ nghề một thời gian quá lâu, nên chất lượng chưa bằng được gốm ngày xưa. Nếu chỉnh chu hơn về mặt kỹ thuật, vấn đề đầu ra cho gốm Thổ Hà không phải là chuyện quá khó nữa".

Công việc này đâu riêng gì ông Tuất tiến hành, mà ở làng có cả những bậc kỳ cựu như ông Nguyễn Ðức Ngoạn, Trịnh Ðắc Thông, Nguyễn Ðức Sinh... đến nhà ông Tuất tham gia khôi phục lại nghề gốm. Ông Sinh nói: "Nếu nói làng gốm đã hồi sinh thì hơi sớm. Nhưng tôi có thể khẳng định nếu gốm Thổ Hà có sự cách tân đôi chút về mẫu mã thì trong thời gian không xa, làng gốm sẽ hồi sinh. Thế mạnh của gốm Thổ Hà nung trong bảy ngày, bảy đêm, nên là gốm sành. Và nhiều mẫu cũ có giá trị được cải biên cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều tay chuyên đi săn đồ giả cổ đã tìm về tận đây xem hàng. Nếu chúng tôi phục chế được chất lượng gốm như trước thì sẽ mở ra một hướng đi mới cho làng... Nghe ông Sinh háo hức nói về nghề, về tương lai của làng với sự tự tin, tôi hy vọng rằng, không bao lâu nữa, đất và lửa nơi này lại quyện lẫn nhau, làm sáng lại vùng đất đã có một thời nổi danh về gốm.

Tuy nhiên để phục sinh thành công làng nghề gốm Thổ Hà, cần có thời gian và sự trợ giúp của các cơ quan, ban ngành huyện, tỉnh để mở lớp đào tạo nghề gốm cho người dân, mời giáo viên mỹ thuật công nghiệp về trợ giúp... Trước mắt, ông Tuất vẫn sưu tầm mẫu mã làm gốm, duy trì lò nung bởi còn lò gốm là sẽ còn cơ hội khôi phục làng nghề.

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *