Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng hoa Thái Phiên

Thái Phiên, phường 12 là cửa ngõ hướng Đông Bắc, nối thành phố sương mù, thành phố hoa Đà Lạt với thành phố biển Nha Trang thông qua Tỉnh lộ 723, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 7 km.

Thái Phiên là vùng nông nghiệp lâu đời của Đà Lạt; có diện tích tự nhiên 1229 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 436 ha, phân bố chung quanh khu dân cư của phường. Vùng nông nghiệp Thái phiên hiện có khoảng 260 ha nhà kính chuyên sản xuất các loại hoa.

Trước năm 1945, nơi đây là vùng đồi núi hoang vu, chỉ có một số ít người dân bản địa sinh sống và là vùng săn bắn dành riêng cho vua Bảo Đại. Năm 1954, khoảng 40 hộ đồng bào người Việt sống ở Xiêng Khoản (Lào) hồi hương về sống tại Đà Lạt, nhận thấy khu vực này đồi núi thấp, khá bằng phẳng, có nguồn nước từ các khe suối dẫn ra Hồ Than thở và các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng; thích hợp cho việc quy dân lập ấp, an cư lạc nghiệp, phát triển nghề nông. Năm 1956, ấp Thái Phiên được thành lập; tên gọi Thái Phiên còn lưu giữ cho đến ngày nay, thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt.

Ngay từ khi lập ấp, cư dân ở đây đã trồng cây ăn trái (cây hồng), trồng rau, trồng một số giống hoa tại địa phương; đến năm 1956 phát triển thêm các giống hoa có nguồn gốc từ Pháp do các hộ ở Cầu Đất mang về như: Hoàng Anh, Glayơn, Gerbera, Cúc đỏ, Cẩm tú cầu, hoa Hồng, Marguerite… Nhờ đặc điểm thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu cũng như khả năng thích nghi của các giống hoa; chủng loại và sản lượng hoa phát triển nhanh chóng; cây hoa đã trở thành sản phẩm chủ yếu của cư dân địa phương. Ngành trồng hoa tại đây ngày càng phát triển và cũng tại thời điểm này (1956), sản phẩm hoa trồng tại đây bắt đầu được tiêu thụ mạnh tại Đà Lạt và Sài Gòn.

Vào thập niên 1960, số người dân ở miền Trung di cư vào địa phương ngày càng nhiều, diện tích canh tác nông nghiệp ngày càng được mở rộng. Sau năm 1975, do những khó khăn về kinh tế, diện tích trồng hoa tại Thái Phiên có suy giảm nhưng nghề trồng hoa vẫn được duy trì, giữ nguồn giống hoa đặc trưng của địa phương.

Giai đoạn 1985-1992, nghề trồng hoa tại Thái Phiên phát triển trở lại với sự tăng trưởng về diện tích; những sản phẩm hoa mới như cúc Nhật, Lys trắng, Cẩm chướng… cùng với các loại hoa sẵn có tại địa phương đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về chủng loại, tuy nhiên quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, các hộ nông dân chỉ sử dụng một phần diện tích, phần lớn diện tích vẫn canh tác các loại rau, cây dược liệu Atichaut.

Từ sau năm 1992, số hộ chuyển sang trồng hoa ngày càng nhiều, đặc biệt là từ sau năm 1995, khi có sự đầu tư của công ty Đà Lạt Hasfarm, một đơn vị sản xuất hoa chuyên nghiệp của Hà Lan, đến đầu tư phát triển ngành hoa cắt cành tại khu vực Nguyên Tử Lực (phường 8, Đà Lạt). Trong thời gian này, Thái Phiên đã có hơn 10% số hộ nông dân chuyển sang chuyên canh hoa; trên địa bàn xuất hiện một số mô hình trồng hoa trong nhà kính với các giống hoa cúc có nguồn gốc từ Indonesia, đa dạng về màu sắc, hình thái nên được thị trường ưa chuộng; giá trị kinh tế của loại hoa này cao hơn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác so với thời điểm đó.

Từ năm 1998 đến nay, với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong canh tác nông nghiệp như canh tác hoa trong nhà plastic, ứng dụng các giải pháp tưới hiện đại, các quy trình trồng, chăm sóc hoa đã được hoàn chỉnh… nên diện tích trồng hoa trong nhà kính tại địa phương có bước tăng trưởng ngoạn mục. Diện tích trồng hoa từ 30ha đã tăng lên 260ha; sản lượng thu hoạch từ 40 triệu cành/năm lên trên 400 triệu cành/năm. Nhiều chủng loại hoa mới được nhập từ nước ngoài như lily (Lilium), cát tường (Limonium), đồng tiền (Gerbera), glayơn (Glaidiolus), cẩm chướng (Caryophylla), hoa hồng (Rose), bibi (Gypsophylla), cúc các loại (Chrysanthemum)… Trên địa bàn phường 12 có 03 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, 12 kho lạnh để bảo quản giống, 10 cơ sở ươm giống hoa cúc và một số hộ tự ươm giống cho gia đình… hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu cây giống tại địa phương và cung cấp cho một số vùng sản xuất hoa khác trong và ngoài thành phố Đà Lạt. Ước tính hiện nay doanh thu của cấy hoa tại Thái Phiên bình quân đạt trên 800 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm hoa cắt cành của Thái Phiên được thị trường ưa chuộng vì sự đa dạng về chủng loại, phong phú về sắc màu, bảo đảm về chất lượng… Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng trên phạm vi toàn quốc và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Qua hơn nữa thế kỷ hình thành và phát triển nghề trồng hoa cắt cành, tên gọi Làng hoa Thái Phiên đã chính thức được công nhận trên cơ sở Quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 16/12/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, công nhận làng hoa Thái Phiên phường 12 đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.

Đến với làng hoa Thái Phiên, dù đứng ở đâu, bạn cũng có thể thấy những khung nhà có mái che trồng hoa. Với tầm nhìn từ khu vực Đình làng Thái Phiên, bạn có thể phóng tầm mắt của mình bao quát toàn vùng trồng hoa của Thái Phiên. Vào từng vườn bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của các loại hoa, đặc biệt là các hoạt động canh tác của người trồng hoa với nhiều khu vực, nhiều hoạt động. Nơi này đang ươm giống, trồng cây, tưới hoa, chăm sóc hoa; nơi kia là các hoạt động thu hoạch, bao gói, đóng thùng sản phẩm hoa … các hoạt động diễn ra nhịp nhàng nhưng tấp nập, kịp thời đưa những sản phẩm hoa cắt cành tốt nhất, tươi tắn nhất, đẹp nhất đến với người tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Hoa tại Làng hoa Thái Phiên – Đà Lạt được canh tác quanh năm, hoạt động của nghề trồng hoa, người trồng hoa không ngơi nghỉ. Vào thời điểm thu hoạch, trên mọi ngã đường bạn đều có thể thấy các loại phương tiện vận chuyển hoa xuất hiện ở mọi ngã đường. Nếu bạn đến thăm Làng hoa Thái Phiên vào ban đêm, hình ảnh ấn tượng để lại cho bạn là ánh đèn vàng lung linh xuất xuất hiện ở khắp nơi; sáng rực rỡ hoặc mờ xa tựa sương khói, cần mẫn chăm chút cho từng mầm sống của hoa, hứa hẹn mang đến cho đời những cành hoa đầy đặn, những cánh hoa với muôn màu sắc thắm…/

(Nguồn: dfa.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *