Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng nghề bánh đa kế
Xã Dĩnh Kế, xưa kia vốn có tên là Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương - Trấn Kinh Bắc. Một mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng, quê hương của vị trạng nguyên tài, đức Giáp Hải(1515-1585). Đặc biệt, vùng đất này đã khai sinh ra nghề làm bánh đa độc đáo, gia truyền hàng trăm năm nay.
Dĩnh Kế có 12 thôn: thôn Chợ, Sau, Tiêu... với hàng trăm mái nhà nằm san sát và biết bao người thợ đang nhanh tay say bột, tráng, quạt bánh tạo những chiếc bánh đa cho mọi người thưởng thức.
Ban đầu chiếc bánh đa làm từ nguyên liệu chính là sắn. Nhưng trong quá trình làm thì người dân nơi đây thấy rằng sắn là nguyên liệu khó làm vì nó rất dính, bắt bụi và cả những côn trùng, không đảm bảo vệ sinh, chất lượng chiếc không cao nên họ tìm cách cải tiến, thay thế sắn dần bằng gạo tẻ. Từ đó, họ thấy chất lượng chiếc bánh được nâng lên rõ rệt. Để làm nên những chiếc bánh thơm ngon, béo giòn, vị bùi thì phải trải qua nhiều công đoạn, thao tác của người thợ. Họ chọn gạo tẻ ngon, không dính, đem ngâm khoảng 12-13 tiếng, sau đó đem xay vỡ, phải xay hai lần để bột được kĩ, nhuyễn, mịn, sờ tay vào bột phải mát, lọc hết bụi bẩn. Theo 2 nghệ nhân già của làng Kế hiện nay là bà Nguyễn Thị Dự (75 tuổi) ông Trần Đức Như (78 tuổi) thì: "để cho ra lò một chiếc bánh đa Kế hoàn hảo phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Trước tiên phải biết đến cách xay gạo thành bột. Bột phải nhuyễn, mịn và được sàng lọc hết những hạt bụi, bẩn. Sau đó người làm bánh phải căn lượng bột gạo cho chuẩn để trộn bột nở vào". Lạc đem thái thủ công từng hạt thành những lát thật mỏng, khoai lang thái thành sợi dài 5-7cm. Anh Cự ở thôn Chợ chia sẻ: "khâu quan trọng là tráng bánh, đòi hỏi kĩ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được, tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia, đường kính khoảng 40cm". Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Và khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém như những loại bánh đa khác. Bánh đa Kế nhìn thật giải dị với hình yên ngựa nhưng ăn lại rất giòn, ngon có vị thơm, béo, bùi của vừng lạc, khoai lang, xốp nở phồng to của những chiếc bóng trên bề mặt.
Bánh đa Kế đã trở thành một đặc sản, một món ăn dân dã, bình dị nổi tiếng trong và ngoài nước: Nga, . Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức vị ngon của bánh đa ngay nơi làm ra, mua được bánh đa chính gốc làng nghề về làm quà mà còn được thăm đền Dĩnh Kế(còn gọi là Nghè Cả). Đây là một công trình kiến trúc cổ theo kiểu thức dân tộc với kỹ thuật chạm khắc đẹp và tinh xảo, tài nghệ. Đền thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương - hai vị tướng của Hùng Vương phò vua giúp nước. Đồng thời là nơi đặt bia Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, trong đó có trạng nguyên Giáp Hải (còn gọi là trạng Kế ). Cạnh đền Dĩnh Kế là chùa Đống Nghiêm (còn gọi là chùa Kế ), một công trình kiến trúc cổ - một trung tâm thờ Phật của nhân dân trong xã. Chùa còn giữ được nhiều pho tượng đẹp, nhiều cổ vật và những tài liệu quý có giá trị lịch sử, văn hoá. Chùa có tên " Nguyên cổ tích danh lam Đống Nghiêm Tư " dựng năm Cảnh Hưng thứ 2 ( 1759 ). Đặc biệt, nếu du khách đến vào mùa xuân thì có thể tham gia lễ hội chùa Dĩnh Kế vào ngày mồng 4 tháng giêng, đó là sinh hoạt Phật giáo lớn của tăng ni, phật tử, các tín đồ cùng khách địa phương.
(Nguồn: bacgiangintrade.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch