Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng nghề đúc đồng Phúc Lộc Tây
Cách đây 5 năm, làng đúc đồng Phú Lộc Tây thuộc huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) là một làng nghề buồn, bởi gần như những nhà lò không còn thổi lửa do không có khách mua.
Tưởng chừng làng nghề đã có trên 100 tuổi nằm nép mình bên dòng sông Cái này sắp bị xoá sổ nhưng giờ đây, có một sự trỗi dậy thật kỳ lạ ở nơi này. Lớp nghệ nhân trẻ tuổi đang phát huy tinh hoa của thế hệ cha ông đi trước áp dụng phương pháp mới trong sản xuất để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ truyền thống, mà còn sắc sảo hơn.
Có thể nói, linh hồn của một làng nghề chính là các nghệ nhân. Ở Phú Lộc Tây, tinh hoa của nghề đúc đồng đang được truyền lại cho lớp nghệ nhân trẻ. Người được coi là lớn tuổi nhất trong nghề hiện nay là ông Trần Lau (62 tuổi). Học nghề từ năm 12 tuổi, giờ đây ông vẫn ngồi làm khuôn đất để đúc chân đèn, lư hương, cổ bồng. Những sản phẩm đồng dưới bàn tay của ông Trần Lau có nét và đẹp hơn người khác, vì thế mà những người sành sỏi thường tới tận nhà ông để đặt hàng. Ông Lau có một người con kế thừa nghề truyền thống là anh Trần Hải (33 tuổi). Anh Hải rất yêu nghề của cha và đã có thể tạo dáng sản phẩm, kiểm tra chất lượng đồng, đổ đồng thuần thục.
Anh Biện Phi Khanh (44 tuổi) được coi là lớp nghệ nhân mới, nhưng đã có 27 năm lăn lộn với nghề đồng. Anh nói: "Qua nghiên cứu kinh nghiệm của ông cha, chúng tôi đã dùng dầu thay than, xây lò nấu đồng và tạo vỏ khuôn để thuận lợi hơn trong việc đúc đồng". Còn nhiều nghệ nhân trẻ khác như Trần Vĩnh Thân (43 tuổi), Trần Bỉ (42 tuổi), Huỳnh Quang Tuấn (37 tuổi) họ đều lớn lên ở mảnh đất này và giờ đây đang làm hồi sinh làng nghề có thời gian dài mai một.
Đến Phú Lộc Tây vào thời điểm này, nếu không biết, người ta sẽ tưởng là làng nghề gốm, bởi trong chiếc sân rộng của làng, các chàng trai học nghề đang làm các khuôn đúc bằng đất sét như đang làm gốm.
Như nói ở trên, làng Phú Lộc Tây chuyên đúc các loại chân đèn, lư hương ... dành cho thờ cúng. Có nhiều loại khác nhau từ đại đến trung, liệu với giá rẻ nhất là 150.000 đồng/bộ đến cao nhất là 500.000 đồng. Nguyên liệu chính để đúc là đồng phế liệu được mua với giá 18.000 đồng/kg. Các lò đồng hiện vẫn giúp nhau theo lối "đổi công", nghĩa là khi nhà này nấu đồng thì nhà kia qua giúp rồi xoay trở lại. Những nhà không có vốn thì ăn theo nghề đồng bằng cách làm khuôn đúc chân đèn với giá vài ngàn đồng/bộ.
Hiện nay, sản phẩm của Phú Lộc Tây tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân là đời sống của người dân đã được nâng cao, việc sắm một bộ đồ thờ bằng đồng không còn vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, phải ghi nhận sự sáng tạo của các nghệ nhân, đã biến món đồ tưởng chừng không có gì cầu kỳ thành một thứ trang trí mỹ thuật trong nhà.
Sự hồi sinh của một làng nghề không những giải quyết được công ăn việc làm cho chính người dân địa phương, mà còn là một nét văn hoá làng quê độc đáo. Riêng với Phú Lộc Tây, đây còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ quyết tâm giữ lại nét riêng của mình sau hơn một trăm năm.
(Nguồn: www.khanhhoa.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch