Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng nghề Khảm Trai Chuyên Mỹ - Hà Nội

Nằm dọc ven sông Hồng với những bãi bồi nên thơ làm say đắm lòng người, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ từ lâu đã làm nức lòng du khách gần xa với những sản phẩm khảm xà cừ tinh tế và sang trọng.

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km về hướng Nam, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từng được coi là cái nôi của một tinh hoa làng nghề Việt Nam: nghề khảm trai. Bước chân vào đến đầu làng Chuôn Thượng, du khách có thể cảm nhận được ngay mùi khét khét của những mảnh ốc, mảnh trai đang được mài rũa để tạo nguyên liệu.

Đi vào sâu thêm chút nữa qua Chuôn Trung, Chuôn Hạ rồi đến Chuôn Ngọ, ta có thể bắt gặp hình ảnh những người thợ cần mẫn ngồi vẽ, cưa, “cẩn” những nét họa tiết li ti lên những tấm gỗ thành phẩm ở hầu hết các gia đình…. Xã Chuyên Mỹ với bốn làng nghề truyền thống Chuôn Ngọ, Chuôn Hạ, Chuôn Trung, Chuôn Thượng đã và đang từng bước gìn giữ và phát triển một nghề truyền thống đầy “cặm cụi” mà cũng rất sang trọng này. Nghề khảm trai ở Việt Nam đã từng được nhắc đến trong sử sách từ thế kỷ thứ III-V thời kỳ Bắc thuộc.

Theo một số tài liệu thì tổ nghề của vùng hạ lưu sông Hồng như làng nghề Ninh Xá, Ý Yên thuộc Nam Định là ông Ninh Hữu Hưng, một vị tướng của vua Đinh và vua Lê. Tuy nhiên theo phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai nơi đây xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI- XIII. Ông tổ nghề hiện được thờ tại làng là Trương Công Thành – một vị tướng văn võ song toàn từng tham gia vào đội quân của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, Trương Công Thành là một vị phó tướng tài ba của vua Lý, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, ông được vua ban thưởng rất nhiều và đến cuối đời ông sống một cuộc sống phong lưu tao nhã, thường ngao du sơn thủy.

Trong một lần tình cờ ra bờ suối, nhặt được những mảnh vỏ trai, vỏ ốc mang nhiều màu sắc óng ánh rất lạ, ông bèn đem về nhà nghiên cứu, thử lắp ghép những vật liệu đó và tạo ra các họa tiết hoa văn rất sinh động. Dần dần, ông khai nghiệp cho người dân trong vùng, tạo nên nghề khảm trai cho người dân ở Chuôn Ngọ và làng nghề được phát triển rộng khắp ra toàn xã Chuyên Mỹ ngày nay.

Theo những nghệ nhân trong làng, nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một “chặng đường” nghệ thuật nếu như muốn có được một sản phẩm khảm trai theo đúng nghĩa, ngay từ bước tạo nguyên liệu. Để có được nguyên liệu tốt nhất, người dân ở Chuôn Thượng và Chuôn Trung thường thu gom vỏ trai, ốc cỡ lớn từ các vùng trong nước đồng thời cũng nhập từ Hồng Kông, Singapo nguyên liệu có cỡ lớn, dễ chế tác.

                                              
Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ có màu sẫm, trai thịt trắng có vỏ dày, trai có nhiều vân… nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là trai ngọc môi vàng, nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh như sắc cầu vồng. Để dễ phân biệt, người ta đặt tên cho từng loại như “trai cửu khổng”, “diệp xù”, “trai cánh”, “trai Nông Cống”, “xác”…

Ngoài ra còn có một nguồn nguyên liệu đặc biệt quý hiếm với làng khảm, đó là những con ốc đỏ với màu sắc cực kỳ sang trọng thường dùng để làm những cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa… Một sản phẩm khảm trai ra đời phải trải qua sáu công đoạn cơ bản. Đầu tiên là vẽ mẫu cho tranh trên giấy can rồi soi mẫu để vẽ họa tiết ấy lên nguyên liệu vỏ trai, ốc đã được ép phẳng.
                                  
Tiếp đến, người nghệ nhân cưa nguyên liệu theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những mảnh nguyên liệu họa tiết lên đó. Công đoạn này gọi là “cẩn xà cừ”. Để họa tiết có độ bóng ánh lên màu sắc lung linh của vỏ trai, ốc đồng thời tạo linh hồn cho tranh, những tấm tranh gỗ sau khi “cẩn” sẽ được tỉa gọn, đánh bóng (hay còn gọi là mài khảm) rồi vẽ nét.Cuối cùng, người ta dùng bộ sơn đen hoặc đánh véc ni cho bóng để họa tiết nổi lên sống động. Một bức tranh hoàn chỉnh được ra đời. Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, có độ phẳng hoặc được uốn cong cho phù hợp với từng loại gỗ thành phẩm. Các chi tiết kỹ thuật đục và cẩn trai rất khít.


                     
title


Họa tiết trang trí trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc như mang linh hồn. Từ những mảnh trai, vỏ ốc vô tri vô giác, qua bàn tay tài hoa khéo léo và óc sáng tạo phong phú của những người nghệ nhân Chuyên Mỹ đã trở thành những bức tranh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

 

Trước đây, người thợ Chuyên Mỹ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc với nhân vật chính Lưu - Quan - Trương, những bộ “thông, trúc, cúc, mai” …. Theo thời gian và xu thế hội nhập thế giới, những người nghệ nhân khảm trai nơi đây đã từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, khắc họa chân dung…

Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản... Trải qua hơn một nghìn năm theo sự phát triển thăng trầm của xã hội, mặc dù có những lúc nghề tưởng như bị mai một do chiến tranh liên miên nhưng những người thợ khảm trai đích thực của làng nghề như nghệ nhân Trần Bá Dinh (được mệnh danh là “bàn tay vàng” của làng nghề), nghệ nhân Nguyễn Văn Trung… vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ.

Cũng nhờ công sức lưu truyền và phát triển của những người nghệ nhân “nguyện một lòng sống chết với nghề” mà những mặt hàng khảm trai mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ vẫn luôn làm say đắm lòng người và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đưa Chuyên Mỹ trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề điển hình trong số các làng nghề truyền thống của Việt Nam.

(Theo Báo ảnh Việt Nam)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *