Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Làng rèn Phúc Sen
Đặc điểm: Làng rèn Phúc Sen là một làng nghề truyền thống, có cách đây khoảng hơn 1.000 năm.
Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng nổi tiếng với nghề rèn. Trải qua hàng trăm năm, nghề rèn truyền thống của đồng bào Nùng An ở đây không bị mai một mà còn phát triển mạnh mẽ.
Phúc Sen có 10 xóm thì 6 xóm có nghề rèn với 157 hộ làm nghề, 358 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ. Ông Long Văn Thắng - một thợ rèn lâu năm cho biết: “Tuy ở cùng xóm, nhưng chưa hẳn gia đình nào cũng có thể làm nghề rèn được, bởi còn do kinh nghiệm và cái duyên với nghề. Những lò rèn luôn đỏ lửa là của các hộ gia đình người Nùng An”.
Nghề nuôi sống gia đình
Từ những ngôi nhà sàn của các xóm rèn xã Phúc Sen luôn phát ra những tiếng “chát, bụp” của những quai búa khoẻ khoắn. Có lẽ vì âm thanh vui tai này mà nhiều người gọi các xóm rèn ở đây là làng “chát, bụp”.
Dao kéo của Phúc Sen giá cao gấp 3 lần dao kéo Trung Quốc vẫn bán chạy.
Ông Lương Văn Lượng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sen
Chúng tôi rẽ vào ngôi nhà gần nhất của xóm Phia Trang. Bên lò than hồng thở phì phò, 4 thanh niên đang mải mê quai búa. Đi hết một “cua” búa, anh Hoàng Văn Đức -chủ lò rèn mới ngừng tay quệt mồ hôi tiếp chuyện.
“Các đầu mối tiêu thụ giục liên tục nên anh em phải cật lực làm cho đủ để kịp giao hàng. Rèn là nghề vất vả, nhưng nuôi sống gia đình em nhiều đời nay...”- Đức thổ lộ. Tuy là nghề gia truyền, nhưng trước kia Đức chỉ làm nhỏ lẻ. Năm ngoái, anh mới đầu tư gần 20 triệu đồng để mở rộng sản xuất.
Lò rèn của Đức thu hút thêm 3 thợ lành nghề khác trong xóm, bình quân mỗi người đạt 80.000 đồng/ngày công. Bác thợ già Lương Văn Phát - “hướng dẫn viên” của chúng tôi trong dịp khám phá nghề rèn Phúc Sen chia sẻ: “Có một điều thú vị, tuy cùng làm nghề rèn, nhưng mỗi xóm lại có thế mạnh riêng của mình. Chẳng hạn, xóm Pắc Rằng có ưu thế hơn về các loại nông cụ như liềm, hái, lưỡi cày, cuốc; sản phẩm chủ lực của xóm Lũng Vài là các loại búa; xóm Phia Trang có thế mạnh về các dụng cụ gia đình như dao, kéo...
Giá cao vẫn bán chạy
Từ xưa tới nay, các sản phẩm rèn của xã Phúc Sen nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, các thương lái trong Nam nghe tiếng cũng lặn lội ra Phúc Sen đặt hàng. Niềm tự hào của sản phẩm rèn gia dụng Phúc Sen là có thể tự tin cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc.
Ông Lương Văn Lượng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sen tâm đắc: “Dao, kéo Trung Quốc hình thức bắt mắt, nước thép sáng loà, giá rẻ. Cùng một phiên chợ, hàng của Phúc Sen giá cao gấp 3 lần vẫn bán chạy hơn. Sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu là “hữu xạ tự nhiên hương”, chứ không phải do quảng cáo, tiếp thị. Người Phúc Sen cởi mở, chẳng giấu nghề, bí quyết nghề chính là kinh nghiệm, là ý thức luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu của người dân. Ý thức này được truyền lại đời này qua đời khác...”.
Theo anh Cao Nguyên - một thợ lành nghề ở Phúc Sen, học nghề rèn ai nhanh cũng phải mất 3 năm. Kỹ thuật rèn thủ công như ở Phúc Sen không có công thức mà là dạng "truyền khẩu phi vật thể" nên chỉ cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của tay người thợ. Sản phẩm sắc bén, thép được tôi đúng độ, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm...
Theo ông Lương Văn Lượng, bên cạnh những lao động trực tiếp làm ra sản phẩm, nghề rèn truyền thống ở Phúc Sen còn tạo ra nhiều công ăn việc làm thông qua sự hình thành dịch vụ thương mại buôn bán vật tư, thành phẩm. Nghề rèn cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Phúc Sen xuống còn 10,2% vào năm 2009. Với nghề rèn truyền thống, những năm gần đây, Phúc Sen còn thu hút khá nhiều đoàn khách du lịch. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng đã tới thăm Phúc Sen...
(Nguồn: caobang.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch