Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Nghề dệt, thêu thổ cẩm ở Lào Cai

Ngay từ lúc còn nhỏ, các cô gái dân tộc Mông, Tày, Dao ở các huyện vùng cao Lào Cai đã được thấy bà, mẹ miệt mài thêu, dệt thổ cẩm để làm nên những chiếc áo, mũ, khăn choàng và những bộ trang phục truyền thống.

Công việc này được các bà, các chị làm thường xuyên, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu khi có thời gian rảnh rỗi.

Rồi người con gái lớn lên trước khi đến trường học chữ đã được bà, mẹ, chị của mình dạy cho cách thêu, cách chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy mầu cũng như kỹ thuật pha mầu, phối mầu, cách thêu, dệt những sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp. Đối với đồng bào, sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm chính là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ đảm đang. Chả thế mà thổ cẩm không chỉ dùng để trang trí, tô điểm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai, gái. Cứ như thế từ đời này sang đời khác, không biết từ khi nào, dệt, thêu thổ cẩm trở thành nghề truyền thống, với những nét hoa văn, sắc màu mang đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng miền.
Theo lời kể của các bà, các chị đã có kinh niên dệt, thêu thổ cẩm thì đây là một loại nghề truyền thống, gắn với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc. Các sản phẩm từ nghề dệt, thêu thổ cẩm chủ yếu do đồng bào sản xuất, để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình. Trong những năm gần đây, khi hoạt động kinh doanh của ngành du lịch phát triển, nhu cầu về sử dụng và tiêu dùng của khách du lịch đối với mặt hàng thổ cẩm sản xuất bằng phương pháp thủ công ngày một lớn. Thổ cẩm trở thành món quà không thể thiếu được cho mỗi du khách sau mỗi lần đặt chân tới những miền đất của Lào Cai. Từ đó, nghề dệt, thêu thổ cẩm được phục hồi và phát triển tương đối nhanh, với hàng chục ngàn mét vải thổ cẩm được sản xuất mỗi năm. Các mẫu mã được lấy cảm hứng từ cuộc sống và cách điệu tạo nên những sản phẩm công phu, giàu tính sáng tạo, với những họa tiết trong sáng, gần gũi với thiên nhiên, đời sống người dân bản địa, đó là hoa lá, chim muông, cây cỏ, trời mây. Bằng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, lá cơm xôi, cỏ phạy… qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, sản phẩm được làm từ thổ cẩm cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn với những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn tay, ví đựng tiền, túi xách tay, bao gối và các tấm áo choàng thổ cẩm… đủ sắc màu rực rỡ.

Trên thực tế, nghề dệt, thêu thổ cẩm của Lào Cai có hầu hết ở các địa phương nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Văn Bàn. Riêng ở Sa Pa hiện có hơn chục làng nghề dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả. Huyện Văn Bàn tập trung ở 4 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thuộc các xã: Dương Quỳ, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú, Chiềng Ken. Còn huyện Bắc Hà đã thành lập HTX dệt, thêu thổ cẩm ở xã Bản Phố. HTX này đã liên kết với các cơ sở sản xuất của Hà Tây để triển khai các chương trình đào tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả. Theo đánh giá của khách du lịch, 3 loại vải thổ cẩm của Lào Cai được ưa thích hơn cả là thổ cẩm của người Mông (Bắc Hà), với gam màu và họa tiết hoa văn sặc sỡ, quyến rũ, thổ cẩm của người Mông (Sa Pa) có gam mầu đất, chàm khiêm nhường, lặng lẽ, thổ cẩm của người Tày (Văn Bàn) có hai gam mầu chủ lực là xanh và trắng sang trọng mà giản dị.

Đến với Lào Cai, mỗi du khách không quên tìm mua một vài món đồ được làm từ thổ cẩm, vừa để tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào nơi đây vừa làm quà cho người thân và là món đồ kỷ niệm sau chuyến du hành. Để rồi lưu luyến mãi mảnh đất và con người giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thắm đượm tình người nơi địa đầu phía Bắc Tổ quốc.
(Nguồn: website báo Lào Cai)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *