Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm - nét văn hóa độc đáo của người dân tộc M’Nông 

Nói đến Đăk Nông người ta thường nghĩ đến một nền văn hóa phong phú và đa dạng với các lễ hội, sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm- một nghề đã tồn tại từ lâu đời và đem đến những lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nét văn hoá riêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Những tấm Thổ cẩm được dệt với nhiều hoa văn, họa tiết thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ đồng bào dân tộc và làm nên các trang phục đẹp nhiều màu sắc.

Hiện nay, ở Đăk Nông có nhiều làng nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ và phát triển như: Bon tại xã Đắk Nia, tx Gia Nghĩa, bon Đăk Sô, xã Quảng khê, và một số bon làng tại huyện Cư Jút. Theo truyền thống của đồng bào M’Nông, người ta thường chọn nền vải là màu đen, tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hoà, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của con người Tây Nguyên. Nguyên liệu thường được dùng để dệt váy, áo thổ cẩm của người M’Nông là những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như bông, vỏ cây, rễ cây… Hoa văn trang trí đường viền ở chân váy, cổ áo, tay áo... có dạng hình thoi, tam giác được kết lồng vào nhau và điểm xuyến bằng nhiều hình ảnh từ thiên nhiên, hoa, chim, thú …thể hiện mối quan hệ cộng đồng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.

Đây là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của buôn, bon làng. Khi làm nghề này, người ta đã sử dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho gia đình tại địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho nghề dệt thổ cẩm cũng như nhiều nét văn hóa khác của người M'nông bị mai một dần. Để bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này, cần có những chương trình, chính sách cụ thể như: xây dựng xưởng dệt tập trung, mở lớp đào tạo, đưa những chị em có tay nghề lâu năm đi tham quan, học tập các mô hình ở các địa phương khác...

Khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng là một định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà. Những chiếc khăn, khố, váy, áo choàng... được thêu hoa văn, màu sắc sặc sỡ từ chất liệu thổ cẩm góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Đắk Nông, níu giữ du khách khi đến với vùng đất này để chiêm ngưỡng tìm hiểu, khám phá nét độc đáo trong từng trang phục và chọn cho mình những món quà lưu niệm độc đáo, ý nghĩa sau một chuyến đi xa....

(Nguồn: tipdaknong.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *