Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Nghề làm gốm của người Bana
Nghề làm gốm của người Bana ở Kon Tum. (Theo Phạm Lý Hương, Lê Hải Đăng, Nghề làm gốm bằng tay của người Bana ở Kontum, vài so sánh dân tộc – khảo cổ học, KCH số 4, 2006, tr 77 – 86)
Người Bana có một làng nghề làm gốm đó là ở làng Kon Xơ M’lũh, xã Dăk T’re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Làng Kon Xơ M’lũh cách thị xã Kon Tum khoảng 1km theo đường chim bay.
Theo lời của nhân dân địa phương thì làng gốm ở đây có từ thế kỷ XIX do thợ gốm ở Dak Ruồng truyền nghề cho phụ nữ Dăk T’re. Hiện nay chưa có điều kiện khảo sát cũng như tài liệu nào nói về nghề làm gốm ở Dak Ruồng. Nghề làm gốm ở đây là nghề phụ. Chủ yếu gốm được làm vào mùa khô để phơi đất và phơi gốm cho chóng khô.
Khai thác và chế biến nguyên liệu:
Đất sét làm gốm được khai thác ở khu vực có tên là Dăk T’Băng Giô, có nghĩa là suối măng chua. Hố khai thác đất sét được moi theo kiểu hàm ếch, đất sét làm gốm nằm sâu dưới mặt đất chừng 0,5m, có màu vàng xen lẫn màu xám. Đất sét ở đây khá thô, không giống với sét mịn thường gặp ở đồng bằng.
Đất sau khi khai thác được đem về nhà phơi nắng cho thật khô, sau đó cho vào cối giã cho thật kỹ. Bột đất được rây bằng rây gạo bình thường. Bột đất thu được sau khi rây có màu vàng như bột đậu xanh. Trước khi nặn gốm người thợ dùng nước hòa vào bột theo tỉ lệ thích hợp. Việc gia công nguyên liệu ở đây hoàn toàn không cho thêm bất kỳ một phụ gia nào.
Tạo hình:
Thợ gốm ở đây không biết đến kỹ thuật bàn xoay. Dụng cụ thay bàn xoay là một đoạn thân cây gỗ tròn hoặc đơn giản là một chiếc cối giã gạo chày tay không cố định được đặt úp, cao ngang đùi. Đồ gốm được tạo hình từ nguyên khối với sự hỗ trợ của các công cụ đơn giản.
Đầu tiên, người ta vắt khối đất đã được nhồi nhuyễn và nặn thành hình khối trụ, hai đầu bằng. Kích thước khối đất phụ thuộc vào kích thước của đồ gốm được tạo. Sau khi khối đất hình trụ được tạo, người thợ gốm đặt khối đất lên mặt đoạn cây gỗ tròn hoặc cối gỗ úp ngược, bên trên thớt gỗ này lót một miếng lá lớn để chống dính. Sau đó dùng hai tay, một tay đỡ bên ngoài, một tay nống trong lòng khối đất, dần dần chuyển ống trụ đất đặc thành khối rỗng lòng, thủng hai đầu, thành gốm mỏng dần. Ống đất lúc này có hình tang trống, thân phình nhẹ hai đầu hơi thu nhỏ.
Sau khi làm mỏng thành gốm, miệng được tạo hình. Người thợ gốm sửa sang những ống đất vuốt cho mép mỏng và hơi cúp vào rồi vê một dải đất dài bằng chu vi miệng ống, đặt dải đất khít lên miệng ống rồi miết liền thổ và kéo vuốt tạo hình phần miệng với dáng hơi loe, cổ ngắn, cong. Khâu tạo miệng được tiến hành cẩn thận và kỹ càng, từ sau đó không còn động đến phần này nữa. Sau khi đã vuốt miết kỹ người thợ gốm dùng giẻ ướt xoa vuốt nhẹ lên khắp mặt ngoài đồ gốm, đặc biệt là phần miệng.
Trong công đoạn tạo hình đã nói trên, người thợ gốm luôn luôn di chuyển vòng quanh cối gỗ đặt cố định, khi đi tới khi đi lui, tùy thuộc vào động tác tạo hình của hai tay. Dụng cụ sử dụng trong công đoạn này cực kỳ đơn giản gồm một vòng tròn làm từ cật tre cứng, vót mỏng, dẹt dùng để nạo mỏng thành gốm và một đoạn ống trúc nhỏ dùng để vuốt, đập lên đồ gốm đang được tạo hình.
Công đoạn trên hoàn thành, phôi gốm được để cho ráo bớt nước rồi mới tiếp tục công đoạn bịt đáy, thời gian phơi gốm là từ 1 – 2 ngày phụ thuộc vào thời tiết. Phần đáy được đắp thêm và miết kỹ cho liền thổ tạo thành hình cong tròn. Sau khi nặn xong đồ gốm được phơi ở nơi râm mát cho khô hẳn, thời gian để khô thường từ 15 – 30 ngày tùy điều kiện thời tiết. Khi phôi gốm đã khô hẳn được đem ra xử lý tiếp nhằm làm cho mặt trong, ngoài đồ gốm trơn nhẵn, không còn vết rạn hay lồi lõm. Dụng cụ sử dụng trong khâu này là một hòn cuội cỡ trung bình cầm gọn trong tay. Trước khi miết, người thợ dùng một tấm vải ướt xoa đều lên bề mặt gốm tạo độ ẩm cho mặt gốm làm quá trình miết dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nung gốm và tạo màu sản phẩm:
Người Bana không nung gốm trong những lò chuyên dụng mà nung gốm trong đống lửa lộ thiên. Nơi nung gốm được chọn tùy tiện, kín gió và cách xa những thứ dễ bắt lửa. Cách xếp nung cũng cực kỳ đơn giản. Đầu tiên rải một lớp cát khô lên trên nền đất, diện tích của lớp cát này vừa đủ xếp một số lượng đồ nung đã dự định. Sau đó đặt lên trên lớp cát này một mồi lửa rồi phủ rơm và một ít mảnh nứa, thanh củi mỏng cho dễ bén hơn. Đặt tiếp thanh củi đã chuẩn bị sẵn, tạo mặt bằng để đặt đồ gốm cần nung lên trên. Tiếp theo là xếp các thanh củi theo hình cũi, vây kín số đồ gốm bên trong, bên trên cùng xếp phủ một số thanh củi nữa.
Trước khi nung, phôi gốm được hơ qua lửa ở bếp nấu ăn bình thường, thời gian hơ lửa khá dài vì phải để cho phôi gốm nóng lên từ từ. Khi phôi gốm nóng đều đến mức không thể sờ tay vào được thì mới đem đặt vào đống củi đã nhen sẵn để nung cho đến chín.
Nguyên liệu sử dụng nung gốm của người Bana là củi gỗ, rơm rạ khô chỉ để lót bên dưới làm mồi lửa.
Thời gian nung gốm rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút từ lúc bắt đầu nung đến khi hoàn thành sản phẩm, lửa cháy to đều trong vòng 20 phút thì lụi, chỉ còn than. Gốm nung chuyển thành màu đỏ gạch tươi. Sau khi lửa đã tắt chỉ còn than hồng thì người thợ bắt đầu thao tác tạo màu cho đồ gốm.
Người Bana từ xưa tới nay đều chỉ sử dụng vỏ cây Tơ nung để tạo màu đen cho đồ gốm. Vỏ cây được lấy về trước khi nung gốm một ngày, còn tươi nguyên. Trong khi đốt lửa nung thì đem vỏ cây ra cạo sạch lớp ngoài, đập dập kỹ bằng chày gỗ, rồi ngâm nước sâm sấp. Khi gốm nóng đỏ như hòn than, lửa tắt, thì lấy ra ngoài, dùng tay cầm một đầu miếng vỏ cây đã chuẩn bị sẵn đập kỹ trong ngoài đồ gốm, vừa đập vừa nhúng vỏ cây vào nước để cho vỏ cây ướt lại. Đồ gốm sau khi được tạo màu để ra ngoài đống than tro chỉ chừng 15 phút sau là nguội hẳn.
(Nguồn: baotangnhanhoc.org)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch