Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Nghề trồng và chế biến chè
Vì là vùng chuyên canh chè lâu năm nên trình độ thâm canh của bà con tương đối cao. Năng suất bình quân hàng năm đạt 98 tạ chè búp tươi/1 ha, với giá bán từ 120.000 đồng đến trên 250.000 đồng một kg chè thành phẩm. Trồng và chế biến chè thực sự là ngành kinh tế chủ lực của xã, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/1 năm của xã đạt 14,5 triệu đồng.
Nhằm hướng tới Festival Trà Quốc tế, dù chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của UBND huyện Phú Lương nhưng xã Tức Tranh đã và đang tiến hành những công việc thiết thực chuẩn bị cho sự kiện này. Theo ông Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh thì trong cuộc họp ngày 4-4-2011, UBND xã đã bàn và đi đến thống nhất ưu tiên thực hiện ba phần việc trước mắt là: đẩy mạnh tuyên truyền; lựa chọn và xây dựng mô hình điểm; thành lập Đội tuyên truyền cho sản phẩm chè Tức Tranh. Trong công tác tuyên truyền, xã đã tiến hành bằng các biện pháp như phát qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép vào các buổi họp xóm. Vì vậy mà đa số người dân làm chè đã biết được những thông tin cơ bản về Festival.
Ngoài việc tuyên truyền, xã Tức Tranh đang lựa chọn 10 mô hình điểm là các hộ làm chè để xây dựng hoàn chỉnh thành những điểm tham quan trong dịp diễn ra Festival. Những tiêu chí cơ bản để các hộ được chọn làm mô hình điểm là: Có diện tích trồng chè tập trung từ 1000 m2 trở lên, có cảnh quan đẹp; tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất chè; công cụ chế biến chè phải sạch sẽ; chất lượng chè ngon. Trong đó, tiêu chí về sản xuất chè sạch được đặt lên hàng đầu. UBND xã sẽ trích ngân sách để hỗ trợ cho mỗi mô hình như vậy là 2 triệu đồng.
Xã cũng đang gấp rút tiến hành việc thành lập Đội tuyên truyền về sản phẩm chè. Đội gồm những cán bộ trẻ của xã, những người dân tại các làng nghề. Công việc chính của đội này là tham gia đón tiếp các đoàn khách tham quan và quảng bá sản phẩm chè của xã qua những buổi hội chợ. Vì vậy, thành viên phải là những người am hiểu về trà, nắm được đầy đủ những thông tin cần thiết. Để Đội tuyên truyền hoạt động chất lượng và hiệu quả, xã sẽ nhờ Phòng Văn hóa-Thể thao huyện Phú Lương tập huấn cho các thành viên về cách pha trà, mời trà, tiếp thị trà và hướng dẫn khách tham quan. Việc xây dựng các mô hình điểm và thành lập Đội tuyên truyền được xã đặt mục tiêu hoàn thành trong quý II, năm 2011 này. Về lâu dài, những mô hình này nếu được xây dựng thành công sẽ là cơ sở để nhân rộng ra địa bàn.
Để tìm hiểu thực tế sản xuất chè cũng như không khí chuẩn bị hướng tới Festival Trà của người dân trong xã, chúng tôi đã đến hai làng nghề trồng và chế biến chè là Thác Dài và Quyết Thắng. Mọi người dân làm chè đều mang một tâm lý chung là rất phấn khởi khi biết được thông tin về việc tỉnh Thái Nguyên sẽ đăng cai tổ chức Festival Trà Quốc tế. Họ hy vọng, qua Festival, sản phẩm của mình làm ra sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, tiêu thụ dễ dàng và đạt giá thành cao hơn. Gia đình anh Nguyễn Văn Duân nổi tiếng với việc sản xuất chè sạch, được giá ở xóm Thác Dài. Anh nói: Gia đình tôi đã chọn ra một khu chè riêng, sẽ chăm bón và chế biến để làm sao có chất lượng tốt nhất mang tham dự Festival. Sắp tới xã lựa chọn mô hình, gia đình tôi sẽ mạnh dạn đăng ký. Festival cũng là dịp tốt để chúng tôi giao lưu, học hỏi cách sản xuất chè ngon, cách tiếp thị chè trong thời gian tới. Anh Phan Văn Trịnh, bà Lê Thu Thủy, xóm Thác Dài và chị Trần Thị Cúc, xóm Quyết Thắng cũng cùng chung tâm lý và ý kiến như vậy.
Được biết, xóm Thác Dài hiện có 30 hộ đăng ký sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn ViêtGAP. Người dân làm chè ở xóm Quyết Thắng cũng bắt đầu đăng ký thực hiện theo chương trình này. Họ đã ý thức được rằng, sản xuất chè sạch, chè chất lượng tốt không những để hướng tới Festival mà quan trọng là bảo vệ được sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản phẩm “sạch” sẽ bán được giá hơn.
(Nguồn: congthuongthainguyen.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch