Làng nghề & Sản phẩm ĐP
Tơ tằm Vọng Nguyệt chảy với dòng sông
Nghề tơ tằm Vọng Nguyệt đã có khoảng 1000 năm nay. Mảnh đất này xưa, tương truyền rằng được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ để dệt vải cho nhà vua và hậu cung. Khi ấy các dòng họ lớn: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân... đã cùng nhau sống chan hoà, trai thì cầy cuốc làm ruộng, gái đảm đang trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải.
Đã có một thời gian dài, tơ tằm Vọng Nguyệt bị mai một, quên lãng bởi chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trăn trở và tiếc nuối nghề độc đáo, các bô lão trong làng như cụ Ngô Văn Thị, Chu Văn Biền đã khởi xướng vực dạy làm sống lại làng nghề vào những năm 80 của thế kỷ trước. Cụ Thị nhớ lại: “Những ngày đầu vận động các hộ tham gia phát triển nghề tơ rất khó khăn, vất vả. Sau một thời gian làm ăn thuận lợi, nhiều hộ gia đình đã học hỏi làm theo”. Nhờ vậy, cả làng đã rộ lên phong trào trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén. Vào thời điểm đó, nhà nhà, người người tập trung sản xuất tơ nô nức, nhịp nhàng: thiếu nữ, cụ già miệt mài quay tơ bên bếp lửa hồng, còn những chàng trai khoẻ mạnh thì toả đi khắp nơi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình... mua tơ, mua kén. Lòng người phấn khởi, niềm vui chan hoà theo tiếng quay tơ kẽo kẹt. Cái âm thanh mộc mạc và quen thuộc của làng quê bình yên, thuần chất hồn Việt còn vẳng đến ngày nay.
Ông Ngô Văn Quây, Trưởng thôn Vọng Nguyệt cho biết: “Đầu xuân là thời điểm các hộ gia đình đang sửa soạn đồ nghề máy quay, bếp lò, than đốt, để chuẩn bị bắt tay vào một mùa kéo tơ mới. Toàn thôn trồng 10 ha dâu ở đất bãi ngoài sông để nuôi tằm”. Người Vọng Nguyệt xưa nay, vốn nổi tiếng có tài nuôi tằm, nhả nhiều tơ kén. Để duy trì và phát triển nghề tơ tằm, một số người dân năng động như ông Ngô Văn Hành, bà Ngô Thị Năm... vẫn thường xuyên tích cực xây dựng Hội Dâu tằm tơ với mục đích chính là trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc phát triển dâu tằm, kỹ thuật se tơ, kết kén, bàn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tơ tằm cũng có nhiều bước thăng trầm, ngày trước thị trường chủ yếu là Trung Quốc, nên người dân phải chịu ảnh hưởng, thua thiệt trong quá trình tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, khoảng 80% hộ phải bước theo cánh cửa trung gian, đầu cơ chuộc lợi. Bây giờ, họ sản xuất ra chủ yếu cung ứng cho các đầu mối ở Nội Duệ(Tiên Du) rồi xuất khẩu sang Lào và Thái Lan.
Ở Vọng Nguyệt, quy mô phát triển nghề tơ lớn nhất là gia đình ông Ngô Văn Hành. Với 2 dàn máy quay tơ công nghiệp mỗi ngày sản xuất khoảng 300 kg tơ, kén các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động. Trò chuyện với họ, chúng tôi cảm nhận được ở họ tình yêu nghề gắn bó, sự quý trọng nâng niu sợi tơ mềm mại. Công việc tuy vất vả, nhưng bất kể ngày nắng hay mưa vòng quay vẫn cứ đều đều ấm nóng bên bếp lò để gìn giữ những vẻ đẹp văn hoá truyền thống quê hương. Đến nay, nghề truyền thống của địa phương đã thu hút hơn 100 hộ gia đình(cả thôn có 850 hộ) đạt sản lượng 150 tấn (năm 2010) đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Dọc theo triền đê, dòng sông Cầu hiền hoà vẫn ngày đêm sóng vỗ, như mạch nguồn bồi đắp phù sa cho những nương dâu rì rào, xanh biếc. Mặc dù tơ tằm Vọng Nguyệt có lúc bấp bênh, trắc trở nhưng với đức tính cần cù, sự sáng tạo và tình yêu sợi tơ vàng óng ả của những người nông dân thuần phác, họ luôn biết cách vượt khó, đi lên.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch