Lễ hội

Lễ hội ăn thề bảo vệ rừng của người Hmông

Người Hmông có một lễ hội đầu năm hết sức đặc biệt, đó là cả bản cùng nhau ăn thề bảo vệ rừng. Phong tục này có từ rất xa xưa. Trải qua bao thời gian, nét đẹp của ý thức kết đoàn gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, sinh thái môi trường vẫn luôn được người Hmông lưu giữ. Ngày nay, lễ ăn thề - tiếng Hmông gọi là “nào lồng” vẫn được đồng bào tổ chức vào ngày thìn đầu tháng Giêng hoặc ngày 2 tháng 2 âm lịch. Hôm nay là lễ “nào lồng” của thôn Phéc Bủng, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà.

Từ sáng sớm, gia đình bác Pao đã chuẩn bị xay gạo thành bột để làm bánh nếp. Việc sàng sảy gạo làm nguyên liệu bánh do phụ nữ đảm nhiệm. Điều đặc biệt là vào ngày mà bản tổ chức “nào lồng”, thì toàn thể chị em đều ở nhà làm bánh, không lên rừng. Việc lên rừng là giành cho đàn ông. Phong tục quy định thế. Mỗi nhà từ một đến hai đại biểu nam giới. Nhà nào cũng góp một phần để sắm lễ vật cúng rừng. Còn cơm ăn nước uống thì phần ai người ấy tự mang theo.

Ông thầy cúng của bản, tiếng Hmông gọi là “zở-mủ” đã chuẩn bị xong và sang nhà trưởng bản để “hầu zinh thồng” - hút điếu thuốc lào, trao đổi bàn bạc, thống nhất những nội dung cuối cùng để cùng nhau lên núi.

Lễ ăn thề được tổ chức trên một đỉnh núi cao, nơi mà già bản chọn làm đất thiêng của vùng. Ngày tổ chức ‘Nào lồng” năm nay được ơn mưa móc của trời đất, nên thời tiết se lạnh, đường đất, đường đá trơn nhãy, rất khó đi. Tuy vất vả vì ngược dốc, nhưng ai cũng thầm vui trong bụng, vì theo kinh nghiệm dân gian, ngày này có mưa tức là cả năm sẽ thuận lợi mùa màng, cây cối tốt tươi, lúa màu sẽ cho thu hoạch.

Con gà trống sẽ được vinh dự hy sinh cho thần rừng thần núi đã được trai làng mang đến giữa đường rừng, rồi mỗi người một thứ cùng nhau ngược dốc. Thầy “zở mủ” năm nay đã ngoài sáu mươi, bước đi đã khá nặng nhọc nhưng còn rất chắc chắn. Mưa phùn và mây mù không làm cản trở những người đang cùng một mục tiêu hướng đến, đó là khoảnh đất có ngôi miếu giữa đỉnh núi cao.

Trên đỉnh núi, ngôi miếu xưa làm bằng tranh tre gỗ lạt đã được thay thế bằng vật liệu chắc bền của thời hiện đại. Miếu được xây vì nơi này hứng gió đại ngàn suốt ngày đêm, vật liệu cũ không chịu đựng nổi. Một phần việc hết sức quan trọng của buổi lễ là sửa sang bàn thờ, quét dọn, rãy cỏ xung quanh miếu. Già làng và những người có uy tín được làm công việc trang trí lại vách thờ. Đồng bào dùng những tấm giấy màu và tiền vàng mã để thiết kế nên khung cảnh thiên địa, mà tầng trên tượng trưng cho trời, tầng dưới tượng trưng cho đất. giữa tầng trời có hoa văn biểu hiện mặt trời, hai bên có hoa văn biểu hiện cho các vì sao.

Người Hmông dùng một thứ vỏ cây, giã dập ra để làm keo dán giấy lên tường và gỗ. Thứ keo đặc biệt này được gọi là “bla”, tức là cây dính.

Trong khi việc trang trí được tiến hành, thì ở mảnh đất thấp hơn bên cạnh, các trai làng đã nhóm lửa bếp lò, đặt chảo nước để tiến hành mổ lợn.

Đỉnh núi mờ sương tiếp tục đón nhận những tốp người về dự lễ.

Đây là một trong hai lễ vật chính. Lễ này người Hmông dùng 1 con gà và 1 con lợn để cúng cho các thần.

Mọi việc đã chuẩn bị xong, ông thầy cúng thắp hương làm lễ. Theo quan niệm của người Hmông Bắc Hà thì lễ này gọi về 4 vị thần cai quản việc núi rừng, thời tiết, đồng ruộng mùa màng, bảo vệ sức khỏe cho con người và gia súc gia cầm. Tâm linh ai cũng vậy, đều mong muốn siêu nhiên mang lại lợi ích cho con người, và khi đứng trước tâm linh, ai cũng tự răn mình làm điều phúc đức, cả cộng đồng ý thức về điều thiện, thiện với cuộc sống và làm điều phù hợp với quy luật của thiên nhiên.

Đó cũng chính là ý nghĩa cô đọng nhất của việc ăn thề bảo vệ rừng. Việc cúng thì nhanh thôi, còn việc triển khai quy ước bảo vệ rừng, kết hợp với các quy ước khác trong đời sống thôn bản mới mất khá nhiều thời gian, thu hút sự chú ý của đại biểu hơn 100 hộ gia đình trong bản.

Kết hợp với truyền thống giữ rừng lâu đời của người Hmông, ngành Kiểm lâm cử cán bộ đến vận động, tuyên truyền.

Đại biểu các ngành tư pháp, công an phổ biến với đồng bào về việc thực hiện pháp luật, chống di cư tự do, về quy định làm thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn.

Rồi tất cả đại biểu các hộ gia đình tập trung lắng nghe bản quy ước của năm mới do trưởng thôn trình bày. Được bàn thảo kỹ càng trong những cuộc họp trước, lấy ý kiến dân chủ ở từng gia đình để xây dựng nên quy ước, nên đến hôm nay, lễ nào lồng là cuộc họp đầy đủ nhất tại nơi đất thiêng, 7 chương của bản quy ước đều được mọi người đồng thuận. Trong đó, có những nội dung rất cụ thể như: Cam kết bảo vệ rừng, cấm đốt nương bừa bãi. Ai có nhu cầu đốt nương thì phải báo cáo trước, phải làm đường băng cản lửa. Ai làm đường, mở lối đi thì phải chú ý đến hệ thống mương máng thủy lợi. Ai có trẻ chăn trâu chăn ngựa thì phải chú ý không được cho gia súc phá hỏng cây non mới trồng và các công trình công cộng. Bản quy ước còn đưa ra những quy định rất thiết thân trong đời sống, như việc phải cho trẻ em đến trường, việc phải chấp hành tốt pháp luật về hôn nhân gia đình, về cưới xin và tang ma, không để người chết trong nhà quá 48 tiếng. Giống như một văn bản pháp luật, quy ước của thôn Phéc Bủng cũng giành hẳn một chương quy định việc khen thưởng và xử lý vi phạm. Căn cứ vào các quy định của Luật pháp hiện hành, bản quy ước cho phép thôn bản xử phạt những người vi phạm bằng nhiều hình thức, từ việc chịu tội trước pháp luật cho đến việc nộp phạt vào quỹ của thôn. Như vậy, mọi người đều được tiếp nhận đầy đủ, không thiếu một nhà nào, cũng như không thiếu một nội dung nào, vì đây là lễ hội tập trung được đầy đủ nhất mọi thành viên trong cộng đồng thôn bản này. Từ việc làm ăn làm mặc cho đến giáo dục con cái và mọi mặt, sẽ không ai có quyền phát biểu rằng “tôi không biết”.

Việc thông qua bản quy ước và nghe phổ biến các nội dung cần sự nhất trí của cả thôn bản đã làm cho thời gian vắt sang buổi chiều. Bây giờ là hơn 3 giờ chiều, hội ăn thề bắt đầu chính thức chuyển sang phần thứ 3, tức là hoạt động ẩm thực. Như phong tục quy định, mỗi người đến đây đều tự mang theo cơm và dụng cụ để ăn uống, thức ăn thì hưởng lộc từ 3 con lợn mà cả làng góp chung. Người thì đeo túi, người thì treo khẩu phần của mình trên cây. Rồi tất cả tập trung đông vui, náo nhiệt khi bữa ăn thề được tổ chức ngay trên mảnh đất thiêng đỉnh núi. Những món ăn được chế biến không cầu kỳ nhưng chứa đựng bao ý nghĩa: Ý nghĩa về sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, ý nghĩa về tình đoàn kết giữ gìn sự bình yên cuộc sống, về hy vọng sinh sôi.

Mùa màng sẽ bội thu, thiên - địa - nhân sẽ luôn hòa hợp, niềm tin trong lòng dân - từ chính sách đến cõi tâm linh được củng cố vững vàng. Và hơn thế nữa, đó là sức mạnh của cả cộng đồng được gắn kết lại, thông qua lễ hội dân gian bền bỉ mạch sống của người Hmông Bắc Hà./.

(Nguồn: laocai.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *