Lễ hội

Lễ hội Bắc Hà

Vùng đất Bắc Hà được biết đến với những rừng mận tam hoa trắng xóa cả một khoảng trời, với vẻ đẹp kì vĩ, hoang sơ của hang Tiên, những bản làng Bảo Nhai, Cốc Ly đã bao đời nay bình yên bên dòng sông Chảy hiền hòa và thơ mộng.

Nơi đây đã trở thành vùng đất cho 14 dân tộc anh em tụ hội, tạo nên một miền văn hoá đa sắc màu. Mỗi dịp xuân về, đất trời Bắc Hà như khoác chiếc áo hoa nhiều màu, mỗi sắc màu là nét riêng của một dân tộc còn lưu giữ được khá nguyên vẹn cho đến hôm nay.
 
Đến Bắc Hà những ngày này, du khách sẽ được đắm chìm trong những lễ hội văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nếu như mùa xuân với người Tày là những đêm xoè rạo rực bên ánh lửa hồng, thì với người Mông là hội Gầu Tào, là tiếng khèn Mông dập dìu bên sườn núi réo rắt gọi mùa xuân, gọi bạn tình, là những bát rượu vừa nấu vẫn còn thơm mùi men say của núi rừng. Ở Bắc Hà, người tập trung đông ở các xã Bản Phố, Tả Van Chư, là dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc và còn lưu giữ được khá nguyên vẹn. Khi hoa đào nở thắm hồng sườn núi, hoa mận trắng xoá những sườn đồi báo hiệu một mùa xuân đến, người Mông ở Bắc Hà lại tấp nập mở hội Gầu Tào, còn gọi là lễ hội Say Sán hay lễ hội tìm người yêu. Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông, được tổ chức theo hình thức luân phiên. Hàng năm, người Mông đều họp và chọn một gia đình trong cộng đồng chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện suốt một năm, trong đó tìm và dựng cây nêu là quan trọng nhất. Cây nêu được coi là cây thiêng của người Mông, là tín hiệu của hội, của hạnh phúc và sự no ấm. Cây nêu bao giờ cũng được người Mông dựng trước ngày diễn ra lễ hội hàng tuần. Người trong bản hay ở các vùng khác nhìn thấy cây nêu đều biết rằng, năm nay làng này sẽ mở hội Gầu Tào và dân bản sẽ chuẩn bị áo váy, bố trí thời gian đi dự hội. Trai gái hẹn ước với nhau đầu năm đến bên cây nêu để gặp mặt.

Mở đầu ngày hội, ông chủ tế vừa làm lễ cúng quanh cột cây nêu vừa hát, các thợ khèn giỏi múa xung quanh. Sau phần múa nghi thức là cuộc thi đấu khèn. Cũng tại buổi lễ sẽ tổ chức nhiều trò chơi bổ ích, lý thú và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc Mông như: thổi sáo, thi hát dân ca Mông, đánh quay, múa sinh tiền... Hội thi còn là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình. Theo ông Sùng Seo Trư, nghệ nhân đã khôi phục lại lễ hội Gầu Tào của người Mông Bắc Hà trong những năm gần đây thì đây là một lễ hội lớn, là hình ảnh thu nhỏ đời sống tinh thần và tâm linh của người Mông; một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn, chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên dân tộc Mông.

Rời lễ hội Gầu Tào, chúng ta cùng đến với những điệu xoè quyến rũ của đồng bào dân tộc Tày Bắc Hà. Với người Tày, mùa xuân đến cũng là lúc cả bản làng lại tổ chức xòe. Mỗi khi âm thanh trầm bổng, nhịp trống nổi lên lại thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm. Âm thanh lúc liên tục, dồn dập, lúc trầm, lúc bổng làm nhộn nhịp trái tim bao chàng trai cô gái, để cùng xoè, cùng cầu cho mùa màng tươi tốt, cho bản làng yên bình, cho lứa đôi hạnh phúc. Xoè có nhiều điệu, có xoè đập lúa (phạt khẩu), xoè chiêng (pa nhăm pa), xoè mò cá, xoè nón, xòe quạt, ở Bắc Hà hiện nay có rất nhiều các câu lạc bộ xoè nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến đội xoè của 2 xã Tà Chải và Na Hối.

Mùa xuân đã đến, trên khắp các sườn đồi những bông hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc thắm. Bắc Hà lại đắm mình trong những lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, để cùng cảm nhận không khí mùa xuân của núi rừng Tây Bắc, cùng nhau thưởng thức men nồng của rượu Bản Phố, với những điệu xoè rạo rực lòng người và với cả tình cảm mến khách của người dân Bắc Hà.

(Nguồn: laocai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *