Sự kiện địa phương

Bắc Kan: Tưng bừng Lễ hội Xuân lớn nhất

Đã thành thông lệ, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, khi trời đất đang căng tràn sức Xuân, hàng vạn du khách lại tụ hội về khu bãi đất Bó Lù, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) để cùng hòa mình vào Lễ hội Xuân Ba Bể - lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh.

Từ sáng tinh mơ, dòng người đã đổ về khu bãi diễn ra lễ hội với sắc váy áo rực rỡ, nụ cười tươi tắn, lòng dâng tràn niềm vui.


Ngay từ con đường vào nơi lễ hội, lực lượng chức năng đã tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông nhằm đảm bảo không để xảy ra ùn tắc cục bộ.


Ban tổ chức còn huy động 10 chiếc xe khách để vận chuyển khách vào khu vực diễn ra Lễ hội Xuân.

Nhìn từ trên cao xuống, khu vực tổ chức Lễ hội Xuân Ba Bể lung linh muôn sắc màu. Từ màu áo chàm của các cô gái Tày, màu váy áo sặc sỡ của những cô gái Mông, Dao, màu đỏ thắm của lá hồng kỳ, băngrôn, khẩu hiệu, cho tới màu xanh biếc của mặt hồ Ba Bể, đã tạo nên một không gian đa chiều, đa sắc màu cho Hội Xuân Ba Bể năm 2014.


Ông Nguyễn Văn Dong, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay công tác chuẩn bị Lễ hội Xuân được làm chu đáo ngay từ đầu. Ngoài ra, Lễ hội Xuân Ba Bể năm nay có nhiều nét mới như có thêm phần Lễ hạ điền, thi người đẹp xứ hồ… làm cho Lễ hội càng thêm sinh động.


Phần lễ và phần hội được tổ chức ngắn gọn, súc tích và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Bắc Kạn.


Phần lễ không cầu kỳ, không tốn kém, mỗi địa phương trong huyện Ba Bể dâng lên các vị thần linh một mâm cỗ là những đặc sản của địa phương như xôi ngũ sắc, con gà, nải chuối, chai rượu ngô men lá… Đó là tấm lòng thành kính của nhân dân các dân tộc Ba Bể, mong cầu cho mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, yên vui.


Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, tiếng trống khai hội vang lên như "gieo tiếng Xuân" vào lòng người, truyền niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người để cùng với quê hương, đất nước vững tin đi theo con đường mùa Xuân mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.


Năm nay, lễ hạ điền được Ban tổ chức đưa vào Hội Xuân để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà no ấm.


Sau phần lễ, hàng vạn người dân và du khách tỏa đi tham quan khu trại được trang trí đẹp mắt của các đơn vị trong huyện để mua sắm các sản vật, kỷ vật địa phương hay để hòa mình vào các trò chơi dân gian.


Người xem trầm trồ trước tài đi cà kheo của các chàng trai, tài bắn nỏ của các cô gái hay òa vui sau mỗi lần ném quả còn lọt qua vòng tròn trên cao. Tiếng cười nói, reo hò, tiếng loa phóng thanh, tiếng chiêng trống làm vang dậy cả một góc trời.


Trò tung còn thu hút đông đảo nam thanh nữ tú tới chơi, vì đây là cơ hội để cho các cặp nam nữ tìm hiểu, kết duyên với nhau.


Dù Ban tổ chức không trao giải, nhưng ai cũng cố tung còn cho thật cao, thật trúng để mong cầu những điều thầm kín cho riêng mình.


Những người ưa cảm giác mạnh lại tỏ ra thích thú với môn chọi bò. Những chú bò thường ngày vẫn cần mẫn trên đồng ruộng nay được đem ra so tài với nhau, tuy không mang tính chuyên nghiệp cao nhưng cũng làm thỏa lòng nhiều du khách.


Trên mặt hồ trong xanh, rộng lớn, từng đôi nam nữ trong trang phục truyền thống cố gắng chèo thuyền độc mộc cho thật nhanh, thật khéo để về đích trong tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo người xem.

 
Du khách còn được xem phần trình diễn "Người đẹp xứ hồ" lần đầu tiên đưa vào Lễ hội Xuân Ba Bể. Những cô gái vốn chân chất trong ngày thường bỗng như tỏa sáng trên sàn diễn thời trang trong những bộ váy áo dân tộc rực rỡ nhất của mình.

 
Hội Xuân Ba Bể không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn thu hút rất nhiều du khách ngoài tỉnh và nước ngoài. Họ đến đây vừa để vui chơi, thưởng ngoạn, vừa để giao lưu, mua những sản vật của địa phương.


Chị Nguyễn Thị Nga, du khách đến từ Hà Nội cho biết, năm nào gia đình chị cũng đi Hội Xuân Ba Bể. Năm nay Hội xuân có nhiều nét mới, hay và độc đáo, không còn cảnh tắc đường, chen chúc nhau. Tuy nhiên, chị Nga cũng cho rằng, Ban tổ chức cần chú ý đến vấn đề môi trường sau Lễ hội, nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường lòng hồ Ba Bể.


Sau khi tham gia, cổ vũ các trò chơi, mọi người tìm đến các quán ăn để thưởng thức những sản vật ngon của địa phương, ngắm cảnh hồ Ba Bể và hướng lòng mình đến nơi tâm linh bằng cách đi thăm đảo An Mã, với những ước nguyện tốt lành cho cả năm. Sau đó lại hòa mình vào đêm hội huyền ảo đầy màu sắc của ánh điện, của ánh nến, của lửa trại và của những tiếng khèn Mông, câu sli, câu lượn ngọt ngào, sâu lắng, để rồi khi từ giã, vẫn giữ trong mình hình ảnh nước non Ba Bể, tình người Ba Bể chân thành mà sâu đậm biết bao./.

(Nguồn: TTXVN)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *