Sự kiện địa phương

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, văn hóa hiện đại phương Tây cùng các thế lực thù địch đã lợi dụng tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân để lôi kéo, xúi giục đồng bào bán cồng chiêng, hủy bỏ lễ hội dẫn đến “chảy máu cồng chiêng”. Trước thực trạng trên, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên đều lập các đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng và đầu tư mua sắm các dàn cồng chiêng mới để cung cấp cho các nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông sinh hoạt. Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đánh chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn, bon, làng. Nhờ vậy, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có gần 1.400 đội cồng chiêng, trong đó có 991 đội cồng chiêng trẻ biết diễn tấu, nhiều bài chiêng cổ được đánh giá cao qua các hội thi, hội diễn.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng phục dựng lại các lễ hội truyền thống, các bài chiêng cổ, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn như buôn vui chơi, buôn ca hát, cứ 2 năm, 5 năm tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh…

Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 6 tỷ đồng để mua 150 bộ cồng chiêng cấp cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân là người Êđê, M’nông về truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào. Có buôn làng còn tự nguyện liên kết với các trường tiểu học mời các nghệ nhân về dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh. Nhờ những biện pháp trên, toàn tỉnh hiện có 700 đội cồng chiêng ở các buôn làng, trong đó có 200 đội cồng chiêng trẻ.

Cồng chiêng là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của cộng đồng, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng bao đời nay ở các nghi lễ, lễ hội truyền thống…Tại Tây Nguyên, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang lưu giữ trên 9.880 bộ cồng chiêng. Trong đó, Gia Lai là địa phương còn nhiều bộ cồng chiêng nhất với trên 5.650 bộ, tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk với 2.307 bộ. Các bộ cồng chiêng đủ còn lại chủ yếu là của đồng bào dân tộc Ja rai, Ba na, Êđê, M’nông./.


Nguồn: dangcongsan.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *