Sự kiện địa phương
Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn: Kỳ vọng đề án đổi mới
Vùng đệm đa dạng
Từ khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, lượng khách đến Mỹ Sơn tăng theo hàng năm. Năm 1999, chỉ hơn 27 nghìn lượt khách, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng thì đến năm 2013 lượng khách tăng lên 229.625 lượt, doanh thu đạt gần 21 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 11,7 tỷ đồng. Ngoài tìm hiểu, tham quan các nhóm đền đài, du khách còn có thể thưởng thức những dịch vụ phụ kèm như vận chuyển; tham quan nhà trưng bày, bảo tàng hiện vật; xem múa hát Chăm, hướng dẫn, mua sắm hàng lưu niệm… thời gian lưu lại kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Tuy vậy, bình quân mỗi năm Mỹ Sơn đón chưa đến 20% khách trong tổng số lượng du khách đến Quảng Nam, doanh thu từ du lịch so với các điểm khác ở miền Trung như Huế hay Hội An còn khá nhỏ. Nguyên nhân chính là sự đơn điệu sản phẩm cũng như khoảng trống về lưu trú và các dịch vụ phụ kèm khác.
Ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn cho rằng, trong thời điểm hiện tại rất khó để Mỹ Sơn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cũng như phát triển dịch vụ. Ngoài kinh phí ít, sức mua hạn chế thì việc xây dựng hạ tầng dịch vụ thường vướng đến quy hoạch. “Nhà biểu diễn đã xuống cấp nhưng không biết chọn nơi nào để xây dựng lại cho thuận tiện vì đụng đâu cũng vướng quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn”. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án nâng cao chất lượng dịch vụ Mỹ Sơn chính là tạo sự phát triển bền vững, hấp dẫn du khách, hướng đến bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế địa phương.
Theo đó, việc xây dựng sẽ dựa trên các tài nguyên du lịch thực tế của khu di sản như tài nguyên văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và sinh thái nhằm mang đến cho khách sự trải nghiệm mới. “Khu di sản Mỹ Sơn và khu vực vùng đệm sẽ được chia thành 17 khu chức năng và xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao đến trung bình và thấp như các tháp B,C,D; khu dịch vụ tổng hợp nhà đôi; khu đón tiếp; khu du lịch sinh thái Mỹ Sơn - Thạch Bàn; khu đi bộ sinh thái; khu du lịch sinh thái; khu làng nghề lân cận… nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch” - ông Hường cho biết.
Tăng cường quảng bá
Sức ép của sự phát triển đặt ra cho Mỹ Sơn những vấn đề cần giải quyết về không gian, môi trường và bảo tồn di tích. “Vấn đề đặt ra là sử dụng tối đa nguồn lực, thu lại tối đa lợi ích, tạo cho du khách sự trải nghiệm tốt nhất đồng thời giảm tối thiểu sự xâm hại di tích và ảnh hưởng đối với môi trường. Vì vậy, bên cạnh hoạt động đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhân lực... chúng tôi sẽ xây dựng một chiến lược xúc tiến quảng bá phù hợp” - ông Hường nói.
Để làm được điều này, kênh quảng bá được xác định “nới rộng biên độ”. Theo ông Hường, việc quảng bá nên được làm phong phú hơn trên các phương tiện truyền thông và qua các hãng lữ hành trong nước, quốc tế, nhất là website Mỹ Sơn; cập nhật tất cả thông tin hằng ngày để cung cấp cho khách du lịch; biên soạn sách hướng dẫn du lịch; làm tờ rơi, tập gấp phân phát cho du khách tại các trạm thông tin du lịch đầu mối như sân bay, bến cảng…. “Hướng là tạo hình ảnh khu đền tháp Mỹ Sơn là một tour du lịch chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm, đồng thời giảm thiểu sự quá tải và xâm hại di tích để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững” - ông Hường khẳng định.
Hiện nay, xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên đặc biệt phù hợp với sinh cảnh vùng Mỹ Sơn. Như những tour khám phá, trekking đến những vùng phụ cận của di tích như thủy điện Mỹ Sơn, khu Hòn Đền giúp du khách trải nghiệm trong thế giới tự nhiên hoang sơ, tìm hiểu đời sống động thực vật phong phú, ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Mỹ Sơn... Đặc biệt, xây dựng chương trình phim 3D với nhiều thông tin khái quát về quá trình hình thành khu di sản trong dòng chảy lịch sử Đông Nam Á và mô hình ngôi đền mẫu cũng như một số hiện vật tiêu biểu theo mô típ trang trí qua các thời kỳ; xem phương pháp trùng tu nhóm tháp G; xem và nghe thuyết minh về lịch sử hình thành trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa, kiến trúc đền tháp, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá…
Dù đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” mới chỉ là bước đầu nhưng đã vẽ ra một bức tranh tổng thể, hướng đến kết nối bền vững với Hội An, Cù Lao Chàm, Đà Nẵng, rộng hơn là các di sản thế giới khác trong khu vực như Huế hay Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng... trong những năm đến.
(Nguồn: Báo Quảng Nam)
Ý kiến của bạn
Sự kiện địa phương khác
- Hợp tác về xúc tiến Du lịch làng nghề
- Khai mạc liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014
- Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"
- Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
- Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch đón khách APEC
- Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang năm 2017 tại Hà Nội
- Tuần lễ văn hóa - du lịch Đăk Nông
- Du lịch xanh và bền vững - Hướng đi của du lịch Bình Thuận
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch