Sự kiện địa phương
Quảng bá du lịch Hà Giang với du khách phía nam
Hội nghị do Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch – UBND tỉnh Hà Giang tổ chức. Đến dự có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành văn hóa, thể thao và du lịch TP Hồ Chí Minh và đại diện nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cả trong và ngoài nước.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Hà Giang là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch, có vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch cả nước. Với vị trí thuận lợi là điểm cực bắc của Tổ quốc, nơi giao thoa tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa đông bắc - tây bắc, đồng thời là điểm chung chuyển giữa cung đường du lịch đông tây bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
Sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch Hà Giang là điều kiện quan trọng để xây dựng và hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù đã và đang thu hút khách du lịch, có thể kể đến như: Bản sắc văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc; Hệ thống di tích lịch sử, di sản gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh; Hệ thống danh thắng, cảnh quan thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, tiêu biểu là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì,… ngoài ra Hà Giang còn được thiên nhiên ưu đãi cho các khu, điểm tài nguyên du lịch có giá trị.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo, ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch bước đầu được nâng cao. Công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch được chú trọng.
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch được tăng cường. Du lịch tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo việc làm; đón ngày càng nhiều du khách quốc tế và nội địa. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; các sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển ngày càng đa dạng. Công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh; chất lượng nguồn nhân lực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực.
Làm gì để khai thác lợi thế?
Lễ ký kết hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội nghị.
Bên cạnh thế mạnh, tiềm năng du lịch và những thành tựu đã đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến, tham luận đề cập du lịch Hà Giang còn có những hạn chế và bất cập. Cụ thể, du lịch Hà Giang mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, lại được đặt trong bối cảnh trong vùng có điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, tỷ trọng ngành du lịch trong GDP của tỉnh còn thấp, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; thiếu sự đầu tư trọng điểm và đồng bộ, số lượng dự án đã triển khai và đi vào hoạt động còn ít; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu; nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển du lịch; công tác quảng bá và xúc tiến du lịch quy mô nhỏ, phạm vi còn hẹp mới chủ yếu quảng bá ở trong nước, chưa vươn ra thị trường quốc tế.
Từ thực tế đó, Hội nghị lần này được lựa chọn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với mục đích xúc tiến quảng bá, mở rộng giới thiệu du lịch Hà Giang với các nhà đầu tư và du khách phía nam. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã trình bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới: Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi, Tour Minh Tân – Hà Giang; Tour Cán Tỷ - Cổng Thành; Dù lượn (bay trên Cao nguyên đá Đồng Văn); Ẩm thực vùng cao,…
Ở phần thảo luận, ý kiến của các lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, các chuyên gia tập trung đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp tham vấn cho du lịch Hà Giang, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm…
Bên cạnh đó, làm gì để đầu tư nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh có tính cạnh tranh cao, bền vững; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng phong phú… là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định sẽ nỗ lực phát triển ngành du lịch của tỉnh xứng đáng với tiềm năng vốn có; tăng cường khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; mở rộng các hoạt động hợp tác liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển du lịch. Mục tiêu, đến năm 2020, tỉnh Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía bắc. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
(Nguồn: NDĐT)
Ý kiến của bạn
Sự kiện địa phương khác
- Hợp tác về xúc tiến Du lịch làng nghề
- Khai mạc liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014
- Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"
- Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
- Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch đón khách APEC
- Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang năm 2017 tại Hà Nội
- Tuần lễ văn hóa - du lịch Đăk Nông
- Du lịch xanh và bền vững - Hướng đi của du lịch Bình Thuận
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch