Sự kiện địa phương
Quảng Bình: Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông
Du lịch đường sông không phải là sản phẩm du lịch mới ở Việt Nam. Một số địa phương đã triển khai sản phẩm du lịch đường sông rất mạnh, như: đồng bằng sông Cửu Long gắn với du lịch miệt vườn, Huế gắn với ca Huế trên sông Hương, TP. Hồ Chí Minh với việc khai thác du thuyền trên sông Sài Gòn...
Quảng Bình được biết đến là vùng đất giao thoa văn hóa của 3 miền đất nước, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều con sông lớn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, như: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Roòn, sông Long Đại...
Sông Long Đại là một trong những dòng sông lớn của Quảng Bình, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, len lỏi qua các dãy núi, ghềnh thác. Dọc hai bên bờ sông là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch theo tuyến đường sông với những trải nghiệm thú vị gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, du lịch tâm linh, như: Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, Bến phà Long Đại, Chùa Non-Núi Thần Đinh...
Không chỉ sông Long Đại mà mỗi dòng sông trên đất Quảng Bình đều mang những sắc thái riêng, gắn liền và kết nối với các giá trị văn hóa, lịch sử. Dọc các tuyến sông, hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phân bố tương đối dày đặc, nhất là các làng nghề truyền thống, chợ làng. Bên cạnh đó, các con sông này chảy qua nhiều dạng địa hình, với nhiều dạng cảnh quan thiên nhiên, văn hóa riêng của mỗi vùng quê, góp phần định hình nên sản phẩm du lịch đường sông.
Có tiềm năng và nhiều lợi thế về du lịch đường sông, nhưng thời gian qua loại hình du lịch này ở Quảng Bình vẫn đang còn bỏ ngỏ. Theo số liệu của Sở Du lịch, từ năm 2015 đến nay (không tính năm 2016) trung bình mỗi năm Quảng Bình đón trên dưới 3 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch có liên quan đến du lịch sông nước, chiếm khoảng 30% so với các loại hình khác.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, về du lịch đường sông và du lịch gắn với sông nước, Quảng Bình hiện có 300 thuyền du lịch phục vụ khách thăm động Phong Nha ở Sơn Trạch, Bố Trạch và một số hoạt động du lịch giải trí ở sông Chày - Hang Tối liên quan đến sông nước, cùng một số nhà hàng nổi trên sông phục vụ khách du lịch. Một số doanh nghiệp đang có ý tưởng đầu tư tàu, thuyền dọc theo sông Nhật Lệ. Sản phẩm sẽ gắn với việc vãn cảnh, thưởng thức văn hóa, văn nghệ dân gian, ẩm thực trên thuyền.
Thêm vào đó, thời gian tới, Sở cũng đang xem xét đưa tuyến du lịch khám phá sông Long Đại vào khai thác. Tuy nhiên, hiện nay, việc quy hoạch du lịch đường sông cũng như các sản phẩm du lịch về đường sông đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Chị Đặng Thị Thu Thảo, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi đi tham quan hang động, chị cùng đoàn về lại TP. Đồng Hới nghỉ ngơi buổi tối. Tuy nhiên, theo chị buổi tối ở thành phố đẹp nhưng buồn, không có gì để xem và chơi ngoài việc thưởng thức những món hải sản trên sông Nhật Lệ. Chị cho biết thêm, nếu có một vài du thuyền trên sông Nhật Lệ, có trình diễn các điệu dân ca Quảng Bình thì du khách sẽ hứng thú hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, điều ước đó có vẻ còn xa vời, khi mà cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thêm vào đó, nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyền viên, hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, am hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán, nghề nghiệp của cư dân từng địa phương, sẵn sàng phục vụ và đáp ứng mọi nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách vẫn còn thiếu và yếu.
Ông Đặng Đông Hà cho biết thêm, để phát huy những lợi thế về du lịch, Sở Du lịch đang nghiên cứu và tham mưu với lãnh đạo tỉnh bổ sung và hoàn thiện quy hoạch du lịch, trong đó chú ý đến du lịch đường sông. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục khảo sát nhằm thu thập những số liệu cụ thể, đánh giá các điểm mới dọc các sông xây dựng quy hoạch và sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch trên sông.
Đồng thời, cần có chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai thác nhằm hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng “trên bến dưới thuyền”. Tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đường sông đến người dân và du khách, giúp du khách có thêm góc nhìn mới khi khám phá vẻ đẹp Quảng Bình...
Tuy nhiên, muốn du lịch đường sông phát triển thì du lịch đường bộ cũng phải phát triển. Tức là, ở những điểm đến, bến đỗ của tàu, hệ thống đường bộ phải được kết nối thuận tiện với các bến cảng. Từ đó, khách xuống tàu, có thể lên đường bộ tiếp tục trải nghiệm. Như vậy, chúng ta không chỉ phát triển du lịch đường sông đơn thuần, mà phải đa dạng hóa các loại hình và dịch vụ./.Nguồn: Báo Quảng Bình
Ý kiến của bạn
Sự kiện địa phương khác
- Hợp tác về xúc tiến Du lịch làng nghề
- Khai mạc liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014
- Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"
- Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
- Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch đón khách APEC
- Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang năm 2017 tại Hà Nội
- Tuần lễ văn hóa - du lịch Đăk Nông
- Du lịch xanh và bền vững - Hướng đi của du lịch Bình Thuận
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch