Sự kiện địa phương
Sơn La: Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn
Tiềm năng du lịch phong phú
Nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Sơn La nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km với tổng diện tích tự nhiên là 14.174km2, có 250km đường biên giới với nước bạn Lào. Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với các giá trị phong phú về văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, với hệ thống cảnh quan kỳ thú và khí hậu mát mẻ, Sơn La được coi là một “Hạ Long Tây Bắc” với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các hoạt động du lịch.
Do địa hình núi xen thung lũng và sự hình thành của nhiều hồ thủy điện trên địa bàn khiến cho khí hậu Sơn La chia thành nhiều tiểu vùng khí hậu đặc trưng. Bên cạnh đó là hệ thống các hang động kỳ thú như Hang Dơi, Ngũ động bản Ôn (Mộc Châu), hang Nhả Nhung, Chi Đảy (Yên Châu), hang Thẳm Tát Tòng (TP.Sơn La), hang Hua Bó (Mường La), thác Dải Yếm (Mộc Châu), thác Tạt Nàng (Chiềng Yên, Vân Hồ)... tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, sau khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành đã tạo tiềm năng lớn cho khai thác, phát triển du lịch lòng hồ. Ngoài ra, Sơn La còn có nguồn tài nguyên suối nước nóng phong phú như: Suối nước nóng bản Mòng, Hua La, TP Sơn La; suối nước nóng Mước Bú, Ngọc Chiến, Mường La.
Cùng với đó, hiện toàn tỉnh Sơn La có 68 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và đưa vào danh mục. Trong đó, có 12 di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, 35 di tích được công nhận xếp hạng cấp tỉnh. Nổi bật, phải kể đến Di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả; Di tích lịch sử văn bia vua Lê Thái Tông trên hang Thẳm Ké tại thành phố Sơn La; Hang Bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440 với bài thơ được khắc trên vòm hang vách đá; Hang bản Thẳm (Tông Lạnh), từng là kho chứa vũ khí lớn nhất của quân đội ta trong chiến dịch Tây Bắc; Kỳ đài Thuận Châu, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; Tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi... Đây được xem là những tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù có thể khai thác để tạo nên những sản phẩm du lịch văn hoá có giá trị.
Được biết đến như một điểm nhấn đặc biệt trong “bức tranh” du lịch Sơn La - cao nguyên Mộc Châu là khu vực hội tụ những điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Với độ cao trung bình hơn 1.000m, nằm giữa sông Đà ở phía Đông Bắc và sông Mã ở phía Tây Nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát trong khoảng nhiệt độ trung bình năm từ 17 - 18 độ C. Với những đồi chè xanh ngút ngàn, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi… khung cảnh cao nguyên hùng vĩ, nên thơ của cao nguyên Mộc Châu đã làm say đắm hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.
Chú trọng khai thác sự khác biệt và thay đổi tư duy làm du lịch
Thực tế thời gian qua cho thấy, tuy có nhiều tiềm năng phong phú, đa dạng về tự nhiên, văn hoá, xã hội song việc phát triển của du lịch Sơn La chưa được như sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân địa phương. Lý giải điều này, theo các chuyên gia thì nguyên nhân cơ bản đó là do việc làm “kinh tế du lịch” vẫn còn khá mới mẻ đối với những người làm du lịch ở Sơn La. Nói cách khác, du lịch ở Sơn La hầu như mới chỉ dừng lại ở việc phát triển mang tính tự phát; sản phẩm du lịch thiếu sức cạnh tranh do đơn điệu, không có nét riêng... Hoạt động du lịch chưa có sức hấp dẫn đối với du khách; ít có những đoàn khách lớn; thời gian lưu trú của du khách không dài...
Mặt khác, trong bối cảnh các tỉnh khu vực Tây Bắc đều chú trọng đầu tư phát triển du lịch thì để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vấn đề quan trọng đặt ra đối với Sơn La hiện nay là cần chú trọng khai thác tốt sự khác biệt. Theo đó, Sơn La đang sở hữu sự khác biệt cả về giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hoá so với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc. Chú trọng phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tốt sự khác biệt này sẽ là “chìa khoá” để du lịch Sơn La “cất cánh”. Những năm gần đây, tại một số địa phương, việc tận dụng sự khác biệt để thu hút khách du lịch cũng đã và đang được quan tâm. Trong đó, thành phố Sơn La tập trung phát triển du lịch lịch sử; Mộc Châu phát triển du lịch hang động và du lịch cộng đồng (Homestay); các huyện Phù Yên, Quỳnh Nhai, Vân Hồ... phát triển du lịch lòng hồ thuỷ điện...
Điển hình như tại huyện Mộc Châu, khoảng gần 4 năm trở lại đây, loại hình du lịch cộng đồng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi du khách từng đặt chân đến đây. Để làm được điều này, quan điểm làm du lịch của cấp uỷ, chính quyền địa phương chính là tận dụng thế mạnh, điểm khác biệt của mình để tổ chức thực hiện. Theo đó, Mộc Châu đã sớm nghiên cứu, xây dựng các mô hình homestay trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện cần thiết phục vụ du khách, gắn với tour, tuyến du lịch, sản xuất các sản phẩm lưu niệm đặc thù địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tập huấn để các hộ dân biết hướng dẫn khách có thể tham gia các công đoạn của nghề dệt; từng bước khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, tạo sản phẩm từ bông nguyên bản bán cho du khách. Hàng năm, Mộc Châu đều tổ chức những lễ hội gắn với những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có như Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu Mưa, Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu, Hội trà Cao nguyên Mộc Châu, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu... qua đó giúp thu hút ngày càng nhiều du khách.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, với quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sơn La đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia làm du lịch. Nhờ vậy, việc làm du lịch ở Sơn La đã dần hướng đến những mục tiêu chiến lược, “dài hơi” như xây dựng những sản phẩm riêng biệt; xây dựng thương hiệu “Du lịch Sơn La”; tăng thời gian lưu trú của du khách nhất là khách nước ngoài... Các hoạt động quảng bá, truyền thông và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú cũng được các địa phương trong tỉnh chú trọng.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Sơn La đang có trên 160 cơ sở lưu trú các loại. Năm 2016, Sơn La đã thu hút trên 1,8 triệu lượt khách, trong đó có hơn 48 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 886 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017 có trên 1 triệu lượt khách đến với du lịch Sơn La, doanh thu đạt hơn 545 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động địa phương.
Được biết, theo Quy hoạch và định hướng phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh Sơn La đang tập trung xây dựng và thu hút đầu tư vào một số dự án trọng điểm như: Dự án Khu du lịch Mộc Châu, Dự án Khu tổ hợp văn hóa - thể thao và du lịch Chiềng Ngần, Dự án Khu du lịch Hồ Tiền Phong, Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng bản Mông, Dự án Khu du lịch sinh thái Lâm viên Sơn La, Dự án Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Dự án Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Dự án Khu du lịch sinh thái Rừng thông bản Áng... Với chiến lược phát triển du lịch bền vững, lâu dài, Sơn La hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành khu du lịch độc đáo, hấp dẫn. Và du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.
Nguồn: dangcongsan.vn
Ý kiến của bạn
Sự kiện địa phương khác
- Hợp tác về xúc tiến Du lịch làng nghề
- Khai mạc liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014
- Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"
- Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
- Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch đón khách APEC
- Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang năm 2017 tại Hà Nội
- Tuần lễ văn hóa - du lịch Đăk Nông
- Du lịch xanh và bền vững - Hướng đi của du lịch Bình Thuận
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch