Sự kiện địa phương
Tuyên Quang: Khai thác văn hóa ẩm thực phục vụ du lịch
Khi đến một địa điểm tham quan du lịch, bên cạnh khám phá vẻ đẹp của địa phương du khách sẽ nghĩ đến việc thưởng thức những món ăn đặc trưng. Giờ đây, văn hóa ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống mà trở thành mục đích của nhiều chuyến hành trình. Vì vậy, Tuyên Quang đã và đang khai thác thế mạnh về văn hóa ẩm thực để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuyên Quang được biết đến là tỉnh miền núi có 22 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc mang trong mình một bản sắc văn hóa riêng với tiếng nói, trang phục, món ăn truyền thống. Hầu hết các món ăn đều được bà con người Tày, Dao, Nùng, Mông… chế biến từ những sản vật đặc trưng.
Nhớ đến ẩm thực xứ Tuyên, du khách gần xa không thể quên được đặc sản như thịt trâu gác bếp, măng rừng ở Lâm Bình; rượu ngô, thịt trâu khô, thịt chua, cá sông ở Na Hang; Chiêm Hóa có bánh gai, mắm cá ruộng; Sơn Dương có cơm lam; Hàm Yên có gạo thơm, vịt bầu Minh Hương… Trong đó, nhiều món ngon đã được “vang danh” như mắm cá ruộng Cổ Linh (Chiêm Hóa), rượu ngô Na Hang đã được xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam “Bình rượu ngô lớn nhất Việt Nam” và đăng ký thành công thương hiệu…
Chị Phan Thị Hà (thành phố Thái Bình) là một trong những du khách thường xuyên đến Tuyên Quang. Chị cho biết: “Tuyên Quang có nhiều món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi ấn tượng với các món ăn dân dã như: Thịt chua, rau dớn rừng, canh củ đao… Nhiều món vừa là thức ăn hàng ngày vừa là vị thuốc chữa bệnh như: Canh lá đắng tốt cho đường ruột, mắm cá ruộng để giải rượu, giải độc…”.
Còn ông Hoàng Văn Vịnh, thành phố Vinh (Nghệ An) khi đến với Tuyên Quang cũng tỏ ra vô cùng thích thú. Ông chia sẻ, điều đặc biệt là ẩm thực xứ Tuyên không chỉ hấp dẫn ở hương vị mà phía sau mỗi món ăn đều chứa đựng biết bao câu chuyện thú vị cần khám phá.
Điển hình như món xôi ngũ sắc có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Món trâu gác bếp là lương thực dự trữ trong các chuyến đi rừng dài ngày của người miền núi với mong muốn khi ăn vào người đi xa sẽ có sức mạnh dẻo dai, gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi…
Ẩm thực được đánh giá là “đại sứ” quảng bá du lịch. Tuyên Quang có văn hóa ẩm thực khá phong phú và độc đáo, tuy nhiên việc khai thác các món ăn phục vụ du lịch còn hạn chế. Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, hầu hết các món ăn đều được chế biến, sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, tiêu thụ nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của người dân bản địa. Các món ăn tuy nổi tiếng, nhưng chỉ làm theo từng mùa vụ hoặc có trong lễ hội của các địa phương nên chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của du khách.
Do đó, để đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa ẩm thực tới du khách, những năm qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã có nhiều hoạt động quảng bá văn hóa địa phương, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Tiêu biểu như Chương trình trưng bày, giới thiệu ẩm thực tại Lễ hội thành Tuyên hàng năm.
Du khách được tham quan và thưởng thức nhiều món ẩm thực, đặc sản của 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hướng dẫn các công ty lữ hành xây dựng các tour tuyến du lịch gắn với tham quan, thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng như: Cơm lam xã Tân Trào (Sơn Dương), Mỹ Lâm (Yên Sơn); bánh gai (Chiêm Hóa)…
Song hành với giới thiệu, quảng bá ẩm thực thì việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng luôn được chú trọng. Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng chế biến thực phẩm cho các nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giảng viên của Khoa Quản trị nấu ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã hướng dẫn các chủ nhà hàng, khách sạn, đầu bếp, nhân viên… nghiên cứu một số kiến thức cơ bản về chế biến món ăn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trình bày đẹp, đủ định lượng, định tính, hạn chế lãng phí.
Khám phá và trải nghiệm văn hóa ẩm thực là một trong những sở thích của nhiều người khi đi du lịch. Vì vậy, việc phát huy văn hóa ẩm thực gắn với du lịch sẽ là hướng đi phù hợp để ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển./.Nguồn: baotuyenquang.com.vn
Ý kiến của bạn
Sự kiện địa phương khác
- Hợp tác về xúc tiến Du lịch làng nghề
- Khai mạc liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014
- Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"
- Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
- Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch đón khách APEC
- Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang năm 2017 tại Hà Nội
- Tuần lễ văn hóa - du lịch Đăk Nông
- Du lịch xanh và bền vững - Hướng đi của du lịch Bình Thuận
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch