Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.
Ở người Mường và nhiều tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.
Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng.
Ở nhiều tộc chỉ nam giới mới được đánh cồng chiêng. Dàn cồng sắc bùa của người Mường lại do nữ giới diễn tấu. Ở một số tộc khác nam và nữ đều có thể đánh cồng chiêng. Các kiêng kỵ trong cách sử dụng cồng chiêng cũng khác biệt ở mỗi tộc.
Với tộc Mường và nhiều tộc ở Tây Nguyên cồng chiêng có một ý nghĩa lớn và giá trị cao. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn.
Nhìn chung, cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khoẻ và may mắn...
Ở Trường Sơn - Tây Nguyên âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005.
(nguồn: www.vietnamtourist.com)