Văn hóa

Đàn Tỳ Bà

Tỳ Bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, Tỳ Bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa.

Người ta chế tác Tỳ Bà bằng gỗ Ngô Đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.

Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay, người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa.

Ở Việt Nam, đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp.

Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.

Nguồn: Viện Âm Nhạc Việt Nam
 http://vn-style.com/vim/

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *