Ẩm thực Việt Nam
Bánh beng - người Pa Cô, Quảng Trị
Pỉ Cừm, một nghệ nhân ở bản Pa Nho, luôn tự hào bởi việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của bà con trong bản xuất phát từ ý thức của mỗi người. Từ già, trẻ, gái, trai ở bản ai cũng phải biết nhảy, múa cồng chiêng, thuộc các bài hát dân ca, đan các vật dụng truyền thống, học nghề đan thổ cẩm…Riêng phụ nữ phải biết làm được các loại bánh của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết (nhiều nơi nam giới cũng tham gia), trong đó có bánh beng.
Bánh beng phải làm đúng cách để khi bánh “ra lò” người ăn phải thấy ngon cái miệng. Pỉ Cừm cởi mở: “Không biết từ bao giờ, phụ nữ Pa cô sinh ra, lớn lên đã biết làm bánh để phục vụ cho gia đình, nhất là góp sức trong các buổi lễ hội của dòng họ, làng bản. Bây giờ cũng thế, hễ có dịp là dân bản mình chung tay vào làm bánh, nhà ai có con gái thì bà và mẹ đều truyền nghề cho con, bày vẽ cách làm sao cho bánh vừa ngon lại vừa đẹp, quan trọng hơn là giữ gìn và phát huy văn hóa ẩm thực của cha ông để lại…”.
Đã nhiều lần chứng kiến các nghệ nhân ở Tà Rụt, Tà Long, A Túc, Pa Nho…làm bánh và được thưởng thức bánh beng đậm đà mùi nếp thơm từ mùa lúa mới nên trong tôi luôn lưu giữ hình ảnh và cách thức làm bánh của đồng bào mình.
Nếu như bánh a dưh tốn nhiều nguyên liệu và kỳ công thì bánh beng được làm đơn giản hơn và bất cứ người lớn tuổi, nhỏ tuổi nào cũng có thể quây quần trên nền nhà sàn cùng tham gia gói bánh.
Bề ngoài, bánh beng gần giống như bánh đòn của người Kinh nhưng kích cỡ nhỏ hơn, khi làm xong, nấu chín có thể ăn liền. Nguyên liệu làm bánh chỉ cần chọn được loại nếp rẫy thơm, ngon (bánh không có nhân bên trong).
Nếp làm bánh không cần phải ngâm qua nước. Khuôn bánh được làm bằng một khúc gỗ đẽo tròn hoặc làm bằng tre, bề ngang khoảng 13-15cm, dài khoảng 40-50cm (có nơi làm thủ công không cần khuôn), lấy lá chuối hoặc lá dong cuốn tròn quanh khuôn, sau đó dùng dây được chẻ sẵn từ cây giang hoặc cây nứa buộc chặt lá.
Khi lá được cuộn và cột chắc chắn thì rút khuôn ra, bỏ gạo nếp vào rồi buộc chặt cả hai đầu và các đoạn của thân bánh lại. Các nếp gấp cần đầy đặn, đẹp mắt. Khi bỏ nếp vào ống lá, tránh lắc mạnh tay làm bánh vỡ.
Thường người ta làm bánh với số lượng từ 300-400 cái hoặc hơn cho một buổi lễ, hội, cưới, hỏi… Sau khi hoàn tất công đoạn thì cho tất cả bánh beng vào nồi, đun lửa lên để nấu. Vì nếp không qua ngâm nước nên phải nấu cho kỹ, lửa đun vừa đến khi nào dùng tay bóp thử thấy bánh mềm thì thôi.
Mỗi khi tham gia lễ, hội, đến lúc nhập tiệc, trên mâm chất đầy bánh beng, ai cũng mong được cầm trên tay chiếc bánh nhỏ gọn, tháo gỡ các dây cột quanh thân, bóc tách dần lớp vỏ bên ngoài và nếm vị nếp thơm ngon được làm từ công sức của dân bản.
Màu xanh của lá hằn lên lớp bên ngoài của chiếc bánh cùng với màu trắng bên trong khiến người ăn tò mò muốn ăn từ đầu đến cuối. Bánh beng không cónhân bên trong nên có thể để được lâu ngày (từ 3-5 ngày), khi ăn phải hâm nóng trên bếp lửa. Đây cũng là món quà ngon biếu khách để mang về nhà thưởng thức.
(Nguồn: Quảng Trị)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch