Ẩm thực Việt Nam
Bánh khô mè Cẩm Lệ - Xứ Quảng
Đã từ lâu tấm bánh quà quê bên dòng sông Cẩm Lệ đã trở thành hương vị khó quên đối với nhiều người dân ngang qua vùng đất này. Bánh khô mè giòn xốp ngọt ngào, giản dị mà thấm đẫm khúc tâm tình nguồn cội của những người dân xứ Quảng.
Vị ngọt xứ Quảng
Mỗi làng nghề cổ truyền đều có những nét đẹp cổ truyền riêng biệt, Cẩm Lệ cũng vậy. Bên cạnh sự thanh bình của làng quê ven đô, Cẩm Lệ còn gây ấn tượng bởi những cánh đồng mía ven bờ sông. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để làm đường non cho món bánh khô mè Cẩm Lệ.
Bắt nguồn từ một món ăn ngày lễ Tết của những người dân nghèo hồi xưa, đến nay bánh khô mè đã phát triển thành một đặc sản của người Quảng. Bánh được sản xuất quanh năm ở một số vùng thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng. Song nổi tiếng hơn cả vẫn là bánh khô mè Cẩm Lệ.
Với 6 lò bánh trong làng, người dân ở đây đã và đang phát triển thương hiệu của mình vững chắc với thị trường trong và ngoài nước. Khởi điểm từ việc bà Liễu, một phụ nữ chân quê ở đầu cầu Cẩm Lệ, đã tích cực cải tiến hình thức bao bì để nâng cao thế mạnh cạnh tranh, đồng thời bà cũng nỗ lực quảng bá loại bánh dân dã cổ truyền này khắp vào Nam ra Bắc.
Với đặc trưng ấn tượng và sự nỗ lực của bà Liễu cùng nhiều người dân trong làng, bánh khô mè Cẩm Lệ đã được rất nhiều người biết đến và yêu thích. Nhãn hiệu bánh khô mè "Bà Liễu" được khá nhiều người ưa chuộng trên thị trường.
Giống như rất nhiều loại bánh truyền thống của Việt Nam như bánh tét, bánh đa, bánh tố..., bánh khô mè cũng được chế biến từ bột gạo - nếp. Bánh khô của xứ Quảng có hai loại: khô nổ và khô mè. Chất liệu nền của hai loại này đều giống nhau: bột gạo nếp, chỉ khác lớp phủ bên ngoài.
Bánh khô nổ được bao bọc bởi bột nếp, còn bánh khô mè phủ quanh là mè, thoạt trông giống như mè xửng xứ Huế. Theo những người làm nghề lâu năm, bánh khô mè là một bước cải tiến của bánh khô nổ để phù hợp khẩu vị của người dân các vùng Nam Bắc.
Dẻo bùi thơm hương
Ngoài bột gạo nếp, nguyên liệu làm bánh khô mè còn có thêm đường non, mè, bột quế Trà My và gừng tươi ép lấy nước để tăng thêm vị thơm ngon. Mặc dù thành phần rất đơn giản nhưng để có được tấm bánh khô mè ngon, bổ và đúng "gu" đất Quảng, người làm bánh cũng phải mất rất nhiều công sức tỉ mỉ và khâu chế biến phức tạp.
Bánh khô xứ Quảng còn có tên là "bánh bảy lửa" bởi giai đoạn chưng cất chuyển từ hạt gạo nếp thành khuôn bánh bếp lò, từ lửa lớn sang lửa vừa, rồi nhỏ lửa để giữ bánh giòn và xốp.
Theo lời kể của những lão nông xứ này, bánh khô ban đầu là những hạt lúa nếp rang lên, được sảy vỏ, giã nát trộn với đường, người ta xúc ăn bằng lá mít. Song cách ăn đó dễ bị sặc khi nói chuyện, nên người ta làm khuôn vuông, rây thêm bột cho bánh. Rồi về sau, để tăng thêm vị ngọt, người dân Cẩm Lệ ép mía ở ven sông lấy nước đường non cho vào bánh, rồi rắc mè lên chung quanh.
Bánh khô mè ra đời với vị ngọt thanh từ đường mía và vị béo bùi của mè rang. Bánh ngon đạt yêu cầu thì bên trong ruột phải xốp giòn, bên ngoài hơi dẻo, mè rang vàng đều mà không cháy, vừa chín để thơm hương.
Sau khi được đầu tư cải tiến mẫu mã, gói bánh trở nên rất vừa tay, miếng bánh vuông nhỏ vừa ăn, màu sắc hấp dẫn thực khách với màu trắng ngà của mè rang, màu vàng mơ của đường thắng, mùi của hương quế Trà My và gừng thơm rất hấp dẫn.
Cắn nhẹ miếng bánh là nghe âm thanh xốp giòn tan trong miệng. Và ngay lập tức cảm nhận được cả mùi và vị của tấm bánh quà quê với vị ngọt rất đặc trưng của mía non. Thêm một chén nước trà thì còn gì thích bằng?
Bên cạnh đó, những thành phần trong nguyên liệu cũng cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cơ bản như bột, chất béo, đường và các chất muối khoáng, vitamin, đều có giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể ăn lót dạ bất cứ lúc nào.
Những yếu tố đó đã khiến bánh khô mè trở thành một đặc sản xứ Quảng mà những ai đã thử qua một lần đều muốn mua về làm quà cho bạn bè thân quý gần xa.
(Nguồn: Báo Tin tức)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch