Ẩm thực Việt Nam
Bánh rò xứ Quảng
Người dân quê tôi xem bánh rò là “em” bánh chưng bởi bánh rò thoạt nhìn giống bánh chưng nhưng nhỏ hơn và nguyên liệu chính để làm bánh rò cũng giống như bánh chưng gồm nếp và đậu xanh.
Để gói bánh rò, phải chọn loại nếp mới, thơm ngon, sàng kỹ để loại bỏ những hạt nếp bị nát, chỉ dùng những hạt nếp trên sàng để gói bánh. Nếp được vo sạch cho đến khi nước vo nếp thật trong mới thôi. Đấy chính là bí quyết để giữ bánh được lâu. Ngâm nếp khoảng mười giờ cho hạt nếp mềm rồi vớt ra rổ, để ráo nước. Cần trộn đều nếp với dầu phộng, mì chính, muối sống giã nhỏ để bánh được ngon hơn sau khi nấu.
Đậu xanh chọn hạt chắc, mẩy, ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp chín rồi giã nhuyễn làm nhân. Để nhân bánh thêm thơm ngon và nhiều hương vị, cần cho thêm vào nhân đậu một ít muối, mì chính, tỏi, tiêu, trộn đều.
Lá dùng để gói bánh là lá chuối tươi, phơi héo hoặc trần qua nước nóng già, lau sạch. Xé lá chuối thành những miếng lớn chừng 35cm x 35cm, đặt nhiều lớp lá chồng lên nhau, dùng chén nhỏ múc nếp đổ vào chính giữa lá, thêm nhân đậu rồi đến một chén nếp khác. Cuối cùng gói bánh thành hình vuông, khéo léo gập bẻ các mí ở hai đầu, dùng dây buộc chặt lại. Khâu buộc lạt tưởng chừng đơn giản nhưng cũng cần phải khéo léo, nếu buộc lỏng quá, bánh sẽ bị vào nước, nếu buộc chặt quá, hạt nếp sẽ không thể nở và bánh không thể chín đều được.
Bánh gói xong được cột thành từng cặp hoặc từng chùm, cho vào nồi nước sôi nấu lửa lớn khoảng sáu giờ là bánh chín. Khi nấu bánh cần phải châm nước thường xuyên để bánh luôn được ngập trong nước.
Bánh rò có thể ăn kèm với dưa kiệu, dưa món hoặc ăn chay mà vẫn rất thơm ngon và lạ miệng với vị dẻo của nếp, bùi của nhân đậu, béo của dầu phộng, thoảng hương thơm lá chuối và khá đậm đà với các loại gia vị được ướp vào trong nếp và nhân bánh.
Những người con quê tôi khi rời quê lên đường công tác, trong hành lý không bao giờ thiếu những chiếc bánh rò thơm ngo./.
(Nguồn: SGTT)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch