Ẩm thực Việt Nam
Bánh tro, bánh cuốt xứ Quảng
Hàng năm, khi bầy én xôn xao chao liệng trên bầu trời, hoa pơlang nở trắng núi rừng báo hiệu mùa xuân về trên miền sơn cước, ở quê tôi, cây đoót trổ hoa tím hai bên đường rừng Trường Sơn đại ngàn. Đoót mọc từng vạt ven đường, chênh vênh ven sườn đồi, hai bên bờ khe, suối... Ăn Tết xong, dân làng rủ nhau đi bứt bông đoót để bán cho các đại lý thu mua làm chổi.
Qua tháng Ba (âm lịch) trở đi, dân làng rủ nhau đi hái lá đoót. Lúc này, những bạn hàng mua lá đoót từ dưới xuôi đến các bản, làng đặt tiền cọc để thu mua lá đoót về bỏ cho các cơ sở làm bánh tro để bán cúng ngày mùng 5.5 và các ngày rằm, mùng một. Nơi làm bánh tro nhiều nhất và ngon nhất là vùng Hội An (Quảng Nam).
Già làng A Lăng Cần (70 tuổi), ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cho biết: Sau mùa bứt bông đoót là mùa hái lá đoót cũng không kém phần sôi động. Lá đoót trước được người ta ngâm nước cho mềm và ủi cho thẳng để dễ gói bánh. Chỉ có lá đoót gói bánh tro ăn vừa dẻo, vừa có mùi thơm đặc trưng của bánh tro và màu vàng hấp dẫn...
Ở các khu vực miền núi phía tây Quảng Nam, như Đông Giang, Tây Giang... đồng bào dân tộc Cơ Tu có tập quán làm bánh cuốt (còn gọi là bánh sừng trâu) trong những ngày Tết, lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha rootơmêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơ Ngoót)... Khắp các thôn, bản của đồng bào Cơ Tu, nhà nhà đều biết làm bánh cuốt (avị cuốt).
Loại bánh này có hình dạng gần giống như bánh ú ở vùng đồng bằng. Tùy theo cư dân ở vùng cao hay thấp mà loại bánh này có tên gọi khác nhau: Cot, cuốt, acuốt. Lá gói bánh có thể là lá chuối, lá dong, nhưng phổ biến nhất là lá đoót.
Phụ nữ Cơ Tu đều được người già bày cách gói bánh cuốt từ khi còn trẻ. Nguyên liệu gói bánh là nếp thơm, nếp than do đồng bào trồng. Bánh có chiều dài 12–15cm, ở giữa phình ra, hai đầu nhọn và cong như sừng trâu. Bà con buộc hai cái bánh với nhau thành một cặp. Dường như, khi gặp nếp, lá đoót tiết ra một chất men khiến bánh có hương vị thơm ngon đặc biệt, không thể lẫn với các loại lá khác.
Người Cơ Tu gói xong bánh sẽ tiếp tục ngâm nước, chừng nửa buổi mới nấu. Bánh này được giữ trong vài ngày, nếu để lâu bánh khô cứng lại thì đem nướng bếp lửa, bánh trở nên thơm, dẻo, ngon hơn.
Đồng bào Cơ Tu xem bánh cuốt là biểu tượng, sự kết tinh của âm dương, của trời đất, mưa nắng, sông suối, hồn của núi rừng nên mâm cơm cúng Yàng đều có món bánh cuốt.
(Nguồn: Dân Việt)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch